Mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo: Cần nỗ lực nhiều

Chủ nhật, ngày 15/07/2012

 Xuất khẩu gạo 6 tháng gặp rất nhiều khó khăn nhưng mục tiêu 7 triệu tấn gạo xuất khẩu vẫn có thể đạt được nếu Việt Nam biết khai thác thế mạnh và giữ thị trường tốt

Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tính đến ngày 5-7 của Việt Nam đạt 3,475 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra cho 6 tháng nhưng vẫn thấp hơn 500.000 tấn so với cùng kỳ năm 2011.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 1,626 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ năm trước do giá bình quân giảm 13 USD/tấn so với cùng kỳ.

Thị trường lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu sôi động trở lại khi chương trình mua tạm trữ 500.000 tấn gạo được khởi động từ ngày 10-7.

Hiện giá, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.100 – 5.200 đ/kg, lúa dài khoảng 5.200 – 5.300 đ/kg, tăng khoảng 100 – 150 đồng/kg so với mức giá cách đây một tuần. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.800 – 6.900 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.700 – 6.800 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.000 – 8.100 đ/kg, gạo 15% tấm 7.700 – 7.800 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.300 – 7.400 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Khai thác thế mạnh

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường sụt giảm, chịu nhiều áp lực do sự cạnh tranh với các nước ngày càng lớn.

Hiện, Ấn Độ đang có mức tồn kho rất lớn khoảng 33 triệu tấn gạo và trong thời gian tới nước này sẽ tích cực xuất khẩu gạo  không hạn chế để giảm bớt hàng tồn kho. Còn Thái Lan có lượng gạo tồn kho khoảng 12 triệu tấn, trong khi họ không còn đủ kho chứa, buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu nếu khai thác tốt thế mạnh thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng gạo cao cấp.

Theo ông Phong, đây là điều đã làm tương đối tốt trong 6 tháng đầu năm (xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn, tăng 52,66% so với cùng kỳ). Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 100% gạo chất lượng cao và gạo thơm của Việt Nam. Còn đối với gạo cấp thấp, VFA khuyến cáo chỉ nên xuất khẩu khoảng 20-25% do không thể cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Myanmar.

VFA cũng cho biết, đến giữa tháng 6, lượng gạo cao cấp đã ký hợp đồng xuất khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nếu năm trước, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo trung cấp, với tỷ lệ chiếm hơn 43%, thì nửa đầu năm nay, loại gạo này đã giảm gần một nửa, chỉ còn 21%.

Thay vào đó, tỷ lệ gạo cao cấp ký hợp đồng chiếm hơn 50% trong số gần 3 triệu tấn gạo đã xuất khẩu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, gạo thơm Việt Nam cũng đang được nhiều thị trường quan tâm, tới giữa tháng 6 đã ký hợp đồng đạt 350.000 tấn.

Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong khoảng 2 triệu tấn gạo còn trong kho thì gạo thơm và gạo cấp cao chỉ chiếm khoảng 5%-7%.

Hiện các doanh nghiệp đang lùng mua từng tạ gạo thơm ở khắp nơi nhưng rất khan hiếm. Hiện nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng trước. Có gạo thơm trong tay mới dám ký và ký với số lượng nhỏ vì lỡ gom không đủ hàng sẽ phải bồi thường.

Các thị trường lớn như châu Á, châu Âu kể cả châu Phi vốn là các thị trường tiêu thụ gạo cấp thấp nhưng nay đều có nhu cầu mua gạo thơm. Giá gạo thơm thường nước ta khoảng 580-600 USD/tấn, gạo Jasmine 620-630 USD/tấn, gạo thơm cao cấp như Hom mali, KDM được đến 800 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo thơm Thái Lan luôn cao hơn Việt Nam từ 50 đến 100 USD. Vì vậy, nhà nhập khẩu thường chọn mua gạo thơm Việt Nam.

Giữ thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, ngoài việc tập trung vào các thị trường chủ lực như Indonesia, Philippines, Châu Phi, Trung Quốc, gạo Việt Nam cũng cần xâm nhập vào những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Được biết, mới đây Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua 300.000 tấn gạo của Việt Nam, trong khi Nhật Bản có nhu cầu nhập khoảng 600.000 tấn gạo chất lượng cao cũng đang thăm dò thị trường Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Đài Loan, Hồng Kông cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo số lượng lớn.

Hiện nay, 1,2 triệu tấn gạo ký với Trung Quốc thì 100% là gạo chất lượng cao và gạo thơm.

VFA nhận định: Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng nên Việt Nam có cơ hội xuất sang thị trường này. Tuy nhiên, VFA cũng đưa ra khuyến cáo, trong quá trình thanh toán với các DN Trung Quốc, DN và thương nhân xuất khẩu Việt Nam phải cẩn trọng. Nếu chưa nhận được tiền, chứng từ thì không nên giao hàng.

Thứ Trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, từ nay đến cuối năm, Việt Nam cần phải kiên trì khai thác các thị trường này thì mới có hy vọng đạt được kế hoạch như mong muốn.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho rằng, các địa phương cần xây dựng những vùng trồng riêng một số loại gạo để xuất sang thị trường đặc biệt như Hàn Quốc, Nhật Bản, trên thực tế, nhu cầu gạo của họ không nhỏ.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết từ lâu đã khuyến cáo địa phương và nông dân tăng diện tích lúa thơm, lúa cấp cao và hạn chế diện tích lúa IR50404 nhưng không hiệu quả.

Khi nguồn cung của chúng ta khan dần, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì chúng ta rất dễ bị mất thị trường mà ta chiếm lĩnh trong thời gian qua, cụ thể là thị trường Hong Kong, Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp tỏ vẻ lo lắng trước nguy cơ này.

Theo VOV