Mục tiêu cắt giảm khí thải toàn cầu: Còn nhiều bất đồng
Hôm nay (9-12), hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP-17) sẽ bế mạc sau 12 ngày thảo luận. Tuy nhiên, triển vọng về một mục tiêu chung cắt giảm khí thải chưa thể thống nhất khi các cuộc thương lượng ngày càng bộc lộ nhiều bất đồng, mâu thuẫn giữa các nhóm nước thành viên tham gia.
Một thập kỷ dậm chân tại chỗ
Theo hãng tin BBC, thời gian đầu của các phiên thảo luận kéo dài gần 1 tuần đề cập đến việc gia hạn Nghị định thư Kyoto đã rơi vào bế tắc khi các quốc gia không thể tìm được tiếng nói chung. Các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ kiên quyết không muốn thực hiện bất kỳ cam kết cho đến khi các nước lớn như Mỹ cũng có những cam kết tương tự. Lý giải cho sự kiên quyết này, một số chuyên gia khí hậu cho rằng 3 quốc gia trên không muốm kìm hãm đà phát triển kinh tế cho đến năm 2015.
Các thành viên của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đứng bên mô hình Trái đất nhằm gửi thông điệp kêu gọi thiết lập một nghị định thư mới chống biến đổi khí hậu.
Kết quả đàm phán đã cho thấy “một cái chết được báo trước” của Nghị định thư Kyoto khi nhiều nhận định cho rằng COP-17 là cơ hội cuối để cứu Nghị định thư về biến đổi khí hậu duy nhất trên thế giới vào thời điểm này.
Sau sự bế tắc của Nghị định thư Kyoto, điểm sáng còn lại nghiêng về Quỹ khí hậu xanh 100 tỷ USD. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế lâm vào suy thoái và cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài, khả năng đóng góp của các cường quốc hiện đang là vấn đề nan giải.
Mỹ hiện chưa cam kết đóng góp cho quỹ này, trong khi nhiều chuyên gia tại COP- 17 nhận định rằng việc mỗi năm huy động các quốc gia phát triển đóng góp cho Quỹ khí hậu xanh tới 100 tỷ USD sẽ là không tưởng, việc vận động đóng góp được 10 tỷ USD cho quỹ này đã là thắng lợi.
Đứng trước nguy cơ không có thỏa thuận nào được đưa ra trong hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tiếp tục đề nghị các nước hãy vì mục đích chung là bảo vệ Trái đất thay vì cứ giữ quyền lợi riêng cho chính quốc gia mình.
Bà Tonya Rawe, nhà vận động chính sách cấp cao của CARE, một tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển hàng đầu thế giới, cho rằng đây sẽ là một thảm họa vì điều này sẽ tạo ra cả một thập kỷ dậm chân tại chỗ, không có một bước tiến nào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trái đất tiếp tục kêu cứu
Trong lúc COP-17 đang đi đến một kết quả thất bại thì những bản báo cáo về biến đổi khí hậu tiếp tục ghi nhận về những diễn biến xấu về thời tiết trong thời gian tới. Hãng tin CNN dẫn báo cáo từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ Trái đất đã nóng lên nhanh chóng kể từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Năm 2011 cũng là năm có nhiệt độ cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Dựa trên nghiên cứu do Trung tâm Hardley của Anh thực hiện tại 24 nước phát triển và đang phát triển trên khắp thế giới nhằm khảo sát và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, WMO nhấn mạnh kịch bản xấu nhất vào cuối thế kỷ này là có thể sẽ có thêm khoảng 50 triệu người dân bị lũ lụt đe dọa và sản xuất lương thực giảm mạnh, đặc biệt ở các nước như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Indonesia, Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, vấn đề an ninh lương thực sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều nước trong số này trước năm 2040.
Như vậy, khí hậu Trái đất đã biến đổi rõ ràng và tác động của tình trạng này có thể dễ dàng nhận thấy ở khắp nơi trên hành tinh. WMO cảnh báo, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không được kiểm soát, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng từ 3 - 5°C vào cuối thế kỷ này, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan khác gây thảm họa cho con người.
Theo SGGP