Mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán năm 2023 tăng khoảng 10%

Thứ năm, ngày 29/12/2022

(BDO)

Năm nay, dịp Tết Nguyên đán gần với Tết Dương lịch nên các doanh nghiệp chú trọng đến việc chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động hơn.

Năm nay, bức tranh thưởng Tết có thể sẽ có sự khác nhau rõ nét giữa các khu vực, ngành nghề nhưng nhìn chung mức thưởng Tết bình quân sẽ không có biến động lớn. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp còn đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Thưởng Tết cao nhất 1 tỷ đồng

Ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết đã có 63/63 tỉnh gửi báo cáo tình hình tiền lương 2022 và kế hoạch thưởng Tết 2023 cho người lao động. Theo đó, dịp Tết Dương lịch năm nay giảm chỉ bằng 86% so với năm trước nhưng Tết Nguyên đán lại tăng khoảng 10% so với năm 2022.

Lý giải về hai xu hướng khác nhau trong hai dịp thưởng Tết, ông Tống Văn Lai cho rằng do năm nay Tết Nguyên đán gần với Tết Dương lịch nên các doanh nghiệp chú trọng đến việc chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động hơn.

Theo đó, dịp Tết Dương lịch năm 2022, mức thưởng bình quân ở các doanh nghiệp trên cả nước là 1,2 triệu đồng/người, giảm 14% so với năm 2022. Trong đó, loại hình doanh nghiệp nhà nước có mức thưởng cao nhất theo dự kiến là 2 triệu đồng/người, doanh nghiệp tư nhân 870.000 đồng/người, doanh nghiệp FDI 1,5 triệu đồng/người.

Đưa ra bức tranh nhìn chung về tình hình thưởng Tết Dương lịch từng khu vực, ông Tống Văn Lai cho biết, khu vực miền Trung dự kiến thưởng Tết 1 triệu đồng/người (giảm 20%), phía Nam giảm 25%. Tuy nhiên khu vực phía Bắc lại tăng 27%.

Về tình hình thưởng Tết Nguyên đán 2023, lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết tùy theo kết quả sản xuất kinh doanh nhưng phần lớn mức thưởng giữ như mọi năm là tương đương 1 tháng lương. Mức thưởng bình quân tăng khoảng 10%.

Theo các loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước dự kiến thưởng Tết Nguyên đán 2023 bình quân là 6,5 triệu đồng đồng/người (tăng 15%), doanh nghiệp tư nhân thưởng 6,6 triệu đồng/người (tăng 10%), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến thưởng 7,2 triệu đồng/người (tăng 9%).

Đánh giá bức tranh tổng thể chung về thưởng Tết năm nay so với mọi năm, Công Lai cho rằng nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm chăm lo thưởng Tết cho người lao động. Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, người lao động sẽ nhận được mức thưởng cao hơn các năm trước.

Trong số các doanh nghiệp công bố kế hoạch thưởng Tết, có doanh nghiệp mức thưởng lên tới cả tỷ đồng, trái lại có nơi mức thưởng chỉ mang tính chất động viên là 50.000 đồng, 100.000 đồng hoặc 500.000 đồng.

Cũng giống như mọi năm, mức thưởng Tết cao nhất và thấp nhất vẫn có sự chênh lệch lớn, nếu như có nơi mức thưởng chỉ mang tính chất động viên là 50.000 đồng, 100.000 đồng thì vẫn có những doanh nghiệp thưởng hang trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.

Ông Tống Văn Lai cho biết  mức thưởng Tết Dương lịch năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất là 606 triệu đồng/người, Bến Tre là 332 triệu đồng/người, Bắc Ninh 257 triệu đồng/người, Hà Nội là 125 triệu đồng/người…

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Đà Nẵng là địa phương có mức thưởng cao nhất với hơn 1 tỷ đồng, tiếp đến là Bình Dương 896 triệu đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 760 triệu đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu là 535 triệu đồng, Hà Nội là 400 triệu đồng, Bắc Ninh là 379 triệu, Đồng Nai 307 triệu đồng...

Ông Tống Văn Lai cho biết mức thưởng Tết cao chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số tiền thưởng Tết cao nhất không phổ biến rộng rãi mà chỉ một số cá nhân xuất sắc trong một doanh nghiệp được nhận, là sự ghi nhận của chủ doanh nghiệp đối với đóng góp của người lao động. Khi đánh giá về thưởng Tết thì cần quan tâm là mức thưởng bình quân để thấy được tình hình thưởng Tết chung.

Chú trọng thương lượng tiền lương, thưởng Tết

Cho rằng mức thưởng Tết quá thấp sẽ khiến cho không ít người lao động cảm thấy chạnh lòng, tuy nhiên bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng chỉ ra rằng mức thưởng Tết thấp chỉ tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp giảm đơn hàng, đóng cửa.

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, những tháng đầu năm, các nhà máy tuyển dụng nhiều, mức lương cao nhưng đến nửa cuối năm, thị trưởng lao động đổi chiều, các công ty hạn chế tuyển dụng và không có nhiều việc làm, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn hết sức nỗ lực để duy trì việc làm và chăm lo Tết cho người lao động. Mức thưởng Tết năm nay có thể khác nhau, nhưng đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp còn đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Mặc dù pháp luật lao động không quy định việc thưởng Tết là bắc buộc nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều có kế hoạch thưởng Tết tuỳ theo tình hình sản xuất kinh doanh. Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết việc thưởng Tết sẽ dựa vào sự đối thoại và thương lượng của người lao động và người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động.

"Chính vì vậy, trong các văn bản Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn đặc biệt công đoàn cơ sở luôn luôn nhấn mạnh và thương lượng về tiền lương, thưởng cho người lao động là ưu tiên số một và hàng đầu. Đây cũng là nội dung trọng tâm, quan trọng của các tổ chức công đoàn trong công tác đối thoại và thương lượng tại doanh nghiệp,” bà Trần Thị Thanh Hà cho biết.

Trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang  chú trọng, quan tâm hơn đến các doanh nghiệp, người lao động làm trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Những chính sách hỗ trợ của công đoàn, chính quyền sẽ ưu tiên đến với các doanh nghiệp, người lao động đang gặp khó này. Đặc biệt là ở các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân./.

Theo TTXVN