Mua xe ô tô thanh lý “giá siêu rẻ” qua mạng xã hội: Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới

Thứ hai, ngày 15/07/2024

(BDO) Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo “bán xe ô tô thanh lý siêu rẻ, bao sang giấy tờ, giao xe tận nhà” đã thu hút nhiều người có nhu cầu mua xe. Theo cơ quan chức năng, đây là thủ đoạn lừa đảo đánh vào tâm lý muốn mua xe ô tô “giá hời” của một bộ phận người dân.

“Sập bẫy” mua ô tô giá rẻ

Khi đang lướt mạng xã hội, anh N.V.Th. (ngụ TP.Thuận An) bị thu hút bởi một bài đăng “bán xe ô tô hiệu Ford Everest đời 2021 nhập khẩu thanh lý hải quan có giá rẻ” trên trang Facebook có tên “Auto Văn Miên”.


Từ bài đăng bán xe ô tô giá rẻ trên trang Facebook này mà anh Th. bị lừa 380 triệu đồng

Anh Th. liên hệ với trang Facebook này thì được tư vấn và báo giá xe ô tô hiệu Ford Everest đời 2021 “nhập khẩu thanh lý hải quan có giá là 350 triệu đồng”. Anh Th. thấy giá rẻ hơn nhiều so với giá thực tế nên nhắn tin muốn đặt mua một xe ô tô loại này. Ngay sau đó Facebook “Auto Văn Miên” nhắn cho anh Th. một số điện thoại di động và cho biết người này tên Hồ Văn Miên, là chủ cửa hàng “Auto Văn Miên” có địa chỉ tại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Anh Th. tìm số điện thoại này trên ứng dụng Zalo thì thấy có tài khoản tên “Auto Nhập Khẩu Văn Miên” nên gửi kết bạn và được đồng ý.

Qua trao đổi với tài khoản Zalo “Auto Nhập Khẩu Văn Miên” thì có một người tự xưng là Miên trả lời và chụp hình một căn cước công dân đề tên Hồ Văn Miên (SN 1980, ngụ Tây Ninh; giấy này nghi vấn làm giả do hình ảnh trên căn cước công dân không đúng quy chuẩn) gửi cho anh Th. Anh Th. truy cập Facebook “Auto Văn Miên” và Zalo “Auto Nhập Khẩu Văn Miên” thấy nhiều hình ảnh thể hiện việc giao xe sau khi chuyển tiền mua bán, vì vậy anh tin tưởng là thật và thỏa thuận với Miên mua một xe ô tô Ford Everest đời 2021 với giá 350 triệu đồng, thời hạn giao xe chậm nhất đến ngày 2-7-2024.

Đến ngày 29-6, anh Th. chuyển tiền đặt cọc trước 20 triệu đồng theo yêu cầu của Miên. Đến ngày 30-6, Miên nói phải làm hợp đồng đặt cọc có trị giá 50 triệu đồng, nên yêu cầu anh Th. chuyển thêm 30 triệu đồng, anh Th. đồng ý và tiếp tục chuyển số tiền trên đến tài khoản ngân hàng của Miên. Đến ngày 2-7, Miên nói sẽ giao xe ô tô vào ngày này tại nhà anh Th. ở phường An Phú, TP.Thuận An nên yêu cầu anh Th. chuyển hết 300 triệu đồng, nếu không chuyển tiền thì Miên không giao xe.

Anh Th. đến ngân hàng chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Hồ Văn Miên. Đến lúc này Miên lại yêu cầu chuyển thêm 30 triệu đồng tiền “phí đăng kiểm và làm biển số xe”. Vì muốn nhận được xe sớm, người mua đành chuyển tiếp tiền cho Miên. Tuy nhiên, khi anh Th. vừa chuyển tiền xong thì tài khoản Facebook “Auto Văn Miên” và Zalo “Auto Nhập Khẩu Văn Miên” xóa kết bạn, chặn liên lạc đối với anh Th. Đến lúc này anh Th. mới lờ mờ nhận ra bị lừa nên đến cơ quan công an để trình báo sự việc.

Truy cập Facebook “Auto Văn Miên” và Zalo “Auto Nhập Khẩu Văn Miên”, anh Th. thấy nhiều hình ảnh thể hiện việc giao xe sau khi chuyển tiền. Anh tin tưởng nên thỏa thuận mua một xe ô tô Ford Everest đời 2021 với giá 350 triệu đồng, thời hạn giao xe chậm nhất đến ngày 2-7-2024. Tuy nhiên, khi anh chuyển tiền thì đối tượng chặn liên lạc.

Người dân cần cảnh giác

Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn “bán xe ô tô thanh lý giá rẻ” trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, khiến không ít người “sập bẫy”. Thủ đoạn chung của đối tượng là tạo lập các trang fanpage trên mạng xã hội mang tên các cửa hàng xe ô tô hoặc cơ quan Nhà nước để tạo niềm tin cho người cần mua xe. Tiếp theo, chúng sử dụng hình ảnh xe, hình ảnh giao dịch mua bán xe được làm giả hoặc lấy từ những cửa hàng bán xe ô tô khác để đăng tải, tạo uy tín nhằm dẫn dụ “con mồi”. Không những thế, đối tượng còn chạy “tương tác” trên mạng xã hội để tiếp cận được tối đa số lượng người có nhu cầu mua xe hoặc quan tâm đến thị trường xe.

Sau khi người dùng Facebook tương tác với các bài viết, đối tượng sẽ chủ động liên hệ và gửi cho họ hình ảnh, video đã chuẩn bị từ trước (được lấy từ cửa hàng xe ô tô hay lấy từ mạng xã hội) về những sản phẩm xe chất lượng nhưng giá bán thấp hơn thị trường rất nhiều. Để tăng độ uy tín, đối tượng còn làm giả giấy tờ của cơ quan Nhà nước về việc thanh lý xe hay các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe, qua đó dễ dàng dẫn dụ “con mồi” để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tiếp đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng thực hiện các bước như chụp căn cước công dân gửi để chúng làm giấy tờ xe; cung cấp địa chỉ nhà để giao xe tận nơi… Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu xem xe trực tiếp, chúng sẽ cung cấp một địa chỉ giả để tạo uy tín. Trong cả hai trường hợp trên, đối tượng đều yêu cầu nạn nhân “đặt cọc” một khoản tiền từ 20 - 100 triệu đồng để “giữ xe” vì “số lượng xe thanh lý rất ít, không cọc là sẽ có khách khác lấy ngay”. Số tiền cọc trên sẽ được trừ vào số tiền mua xe sau khi khách hàng nhận xe và thanh toán nốt số tiền còn lại.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền cọc, đối tượng sẽ lập tức chặn mọi liên lạc. Trong một vài trường hợp chúng còn đưa thêm lý do như “cần thêm tiền bôi trơn cho hải quan, công an, cục thuế…” để lừa thêm tiền của nạn nhân, rồi sau đó “lặn mất tăm”.

Để tránh bị mắc bẫy lừa với thủ đoạn mua xe ô tô, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo: Không có cơ quan Nhà nước hay cá nhân nào được phép thanh lý xe nhập lậu, trốn thuế, giá rẻ như thông tin trên các trang mạng xã hội. Tất cả tài sản, tang vật vi phạm bị cơ quan chức năng bắt giữ đều được bán đấu giá thông qua các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được Nhà nước cấp phép hoạt động.

Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước chỉ sử dụng các trang web chính thống tên miền có đuôi gov.vn; người dân cần lưu ý chọn đúng trang web chính thống để đọc thông tin, tránh đọc thông tin từ những trang web giả mạo. Trong trường hợp bị lừa đảo, người dân hãy đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.

NGUYỄN HẬU