Mưa trái mùa trên diện rộng tại nhiều địa phương
* Các tỉnh Bắc bộ nắng trở lại
* Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm
* Phú Yên xây dựng nhà tránh lũ cho hộ nghèo
>> Bắc bộ nắng nhẹ, Đông Nam bộ nắng nóng
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, khối khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc và Trung Bộ đã suy yếu, vùng thấp phía tây sẽ nhanh chóng phát triển và mở rộng dần, do vậy hai ngày tới, các tỉnh Bắc bộ sẽ chuyển nắng trở lại. Riêng ở phía đông Bắc bộ đêm và sáng trời vẫn se lạnh cùng với sương mù nhẹ xuất hiện rải rác và nhiệt độ thấp hơn. Khu vực Trung Bộ thời tiết chuyển tốt, nhiệt độ tăng nhẹ. Các tỉnh Nam Bộ do nằm ở rìa nam hệ thống thời tiết phân tích trên cùng với tác động của đới gió đông bắc cường độ trung bình đến yếu, cho nên tình trạng nắng mạnh vẫn duy trì, nắng nóng vẫn xuất hiện ở miền đông Nam bộ, với nhiệt độ khoảng 35-37oC.
Quỹ hỗ trợ phòng, tránh thiên tai miền trung xây dựng hai trường tiểu học tại tỉnh Phú Yên. Hai ngôi trường mới vừa là nơi học tập của học sinh, đồng thời là nơi tránh lũ lụt của người dân trong vùng. UBND tỉnh Gia Lai đã rà soát, tổng hợp số hộ có nguy cơ thiếu đói để có hướng khắc phục, hỗ trợ người dân. Tỉnh đã xuất ngân sách hơn 6,2 tỷ đồng để mua gần 484 nghìn kg gạo, cứu trợ cho hơn 8.400 hộ, với gần 34 nghìn người bị thiếu đói giáp hạt và thiếu đói do hạn hán, trong đó, cấp tỉnh xuất ngân sách hơn 3,6 tỷ đồng, cấp huyện xuất hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng quyết định chi ngân sách hỗ trợ giống cây trồng, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do hạn hán gây ra trong vụ mùa năm 2012.
Tối 15-3, trận mưa xuất hiện trên diện rộng kéo dài hơn một giờ trên địa bàn TP.HCM đã góp phần làm giảm không khí oi bức liên tục trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên, những cơn mưa "vàng" như thế này sẽ rất ít xảy ra trong thời gian tới. Theo dự báo, mùa khô ở Nam bộ trong năm này còn kéo dài từ nay đến đầu tháng 5 mới kết thúc. Mưa xảy ra đúng vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần, nên tại một số tuyến đường bị ùn tắc giao thông cục bộ.
Sau nhiều tháng nắng nóng kéo dài, chiều, tối ngày 15-3, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có mưa lớn trên diện rộng khắp địa bàn chín huyện, thị xã. Cơn mưa kéo dài hơn ba giờ đồng hồ được xem là "mưa vàng", cứu sống hàng trăm nghìn ha lúa đông xuân, mía, sắn, cao-su... của nông dân trong tỉnh. Ðặc biệt cơn mưa đã làm hạ nhiệt, giảm nguy cơ cháy lớn tại hơn 70 nghìn ha rừng tự nhiên và rừng trồng ở khu vực biên giới của tỉnh.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, ổ dịch lở mồm long móng tại thị xã Hồng Lĩnh đã cơ bản được khống chế. Chi cục đã phối hợp thị xã Hồng Lĩnh thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch, ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch đồng thời tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi tuyệt đối không chăn thả, giết mổ, bán chạy gia súc bị bệnh. Trạm thú y Hồng Lĩnh phun hóa chất, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi có phát sinh mầm bệnh tại 16 hộ dân ở phường Ðậu Liêu.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tỉnh Cà Mau xảy ra ba ổ dịch cúm gia cầm. Chi cục Thú y tỉnh đã kịp thời kết hợp chính quyền địa phương xử lý phun hóa chất và tiêu hủy gần 400 con vịt nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên thực hiện chương trình giám sát chủ động, bằng cách lấy mẫu trên gia cầm sống được bày bán tại các khu vực chợ; đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương sớm có biện pháp chấn chỉnh việc mua bán gia cầm ở các khu vực chợ, để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người.
Tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tổ chức tiêm phòng vắc-xin, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nuôi mới, vận chuyển, mua bán và giết mổ gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm hơn 45 nghìn liều, 15 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh cho gia súc và làm vệ sinh tiêu độc khử trùng hơn 105 nghìn m2 chuồng trại chăn nuôi. Ðặc biệt, tại huyện Hòa Bình nơi có bệnh lợn tai xanh, tăng cường giám sát, làm vệ sinh chuồng trại. Ðến nay, trên địa bàn huyện không phát sinh thêm ổ dịch lợn tai xanh mới.
Tỉnh Phú Yên đã hoàn thành xây dựng 100 nhà tránh lũ cho 100 hộ dân ở các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc (huyện miền núi Ðồng Xuân) và các xã An Ðịnh, An Dân (huyện Tuy An). Những hộ trên thuộc diện nghèo, sống dọc theo hạ lưu sông Kỳ Lộ, trong năm năm gần đây, vào mùa mưa lũ nhà ở thường bị ngập 1,5 - 3 m tính từ nền nhà. Những nhà tránh lũ có diện tích xây dựng từ 14 m2 trở lên, để ở tạm khi nước lũ dâng cao.
Theo Báo Nhân Dân