Mưa trái mùa tại huyện Phú Giáo: Nông dân buồn, vui lẫn lộn...
Cơn mưa trái mùa vào chiều mùng 5 và mùng 6 âm lịch vừa qua như đem lại “vàng” cho nhiều người nông dân, nhưng cũng đem lại không ít nỗi buồn cho người dân huyện Phú Giáo. Đối với những người trồng điều và trồng rau ăn lá ở Phú Giáo, đó là những cơn mưa không mong đợi, gây thiệt hại khá lớn đến năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nông dân.
(BDO)
Vườn tiêu của anh Phạm Như Ý, ấp Tân Thịnh, xã An Bình như được “vàng” với mưa trái mùa. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Tiêu vui…
Tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, hai cơn mưa chiều mùng 5 và 6 tết thật sự đem lại cho người trồng tiêu niềm vui lớn trong điều kiện “trời hạn gặp mưa rào”. Không chỉ đối với người trồng tiêu, mà cả với người trồng cao su, cây ăn trái, mưa trái mùa đã đem “vàng” đến cho người nông dân, một niềm vui đầu năm mới. Anh Phạm Như Ý, ngụ ấp Tân Thịnh, xã An Bình, phấn khởi khoe: “Cơn mưa vừa qua thật sự đối với người nông dân trồng tiêu, trồng cao su và cây ăn trái chúng tôi một nguồn nước quý giá. Cây tiêu đang vào mùa nắng, trong khi trái đang vào độ chắc hạt, cần nước mà gặp được mưa thì không còn gì quý giá bằng. Người nông dân vừa tiết giảm được một phần nước tưới quý giá, lại giảm được một phần phân bón do ông trời đem lại” .
Không chỉ người trồng tiêu, người trồng cao su và trồng cây ăn trái cũng rất phấn khởi với hai trận mưa vừa qua. Anh Ý cho biết thêm, hiện nhà anh có 4 ha cao su đang khai thác, 0,5 ha tiêu đang cho thu hoạch, cùng 1 ha cao su mới trồng tái canh và 1 ha bầu bí trồng xen trong cao su. Nhờ mưa trái mùa nên đến thời điểm này, anh vẫn đang khai thác mủ cao su và tiêu. Nếu như năm trước, giờ này cao su đã nghỉ cạo cả tháng và cây trồng khác đang phải cần tưới nước thì năm nay, nhờ mưa trái mùa nên công việc tưới nước cho cây trồng của anh có phần thảnh thơi hơn.
Điều buồn
Trái ngược với niềm vui của những nông dân trồng cao su, tiêu và cây ăn trái là nỗi buồn của người trồng điều và rau ăn lá. Anh Lê Văn Tài, một nông dân trồng rau ăn lá tại ấp Lễ Trang, xã Vĩnh Hòa, buồn rầu cho biết năm nay là một năm khó khăn đối với người trồng rau ăn lá như gia đình anh. Đặc biệt, với 2 trận mưa vào ngày 5 và 6 vừa qua khiến cho người trồng rau như gia đình anh bị thiệt hại, giảm sản lượng khá lớn.
Theo anh Tài, do mưa vào thời điểm thời tiết đang nắng nóng, lại mưa không kéo dài, với lượng không lớn và chỉ một, hai bữa rồi tạnh, trời lại nắng nóng trở lại đã làm cho cây rau bị đốm lá. Do đó, để bán được rau, người trồng phải nhặt hết những lá bị đốm bỏ đi. Chính vì vậy sản lượng bị giảm đi khá nhiều. Cụ thể, nếu không gặp mưa trái mùa, một luống rau của gia đình anh cho sản lượng khoảng 50kg, thì nay giảm còn khoảng 30kg. Đó là chưa kể các cơn mưa đã làm cho nguy cơ sâu bệnh trên cây rau xuất hiện rất nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, công chăm sóc của người trồng rau. Anh Tài cho hay, với hiện tượng mưa trễ, mưa trái mùa như năm nay, chỉ có người trồng cao su, trồng cây ăn trái, bầu bí, đậu là vui; còn với những người trồng rau, trồng điều thì thất bại.
Cùng chia sẻ với anh Tài, anh Ý cho biết với 2 trận mưa trái mùa vừa qua, năm nay cây điều khả năng bị mất mùa là rất lớn. Bởi mưa đúng vào thời điểm điều đang ra bông, lại vào buổi chiều khi bông điều đang thụ phấn, vì vậy bông điều bị khô; còn nếu điều đã có trái non thì bị nám, đen, thối trái. Do vậy, với người nông dân trồng điều, thực sự những trận mưa vừa qua nguy cơ thất thu rất lớn.
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Với hai trận mưa vừa qua, theo đánh giá của ngành chức năng, ảnh hưởng lớn nhất vẫn thuộc về ngành trồng trọt, còn đối với ngành chăn nuôi, ảnh hưởng không thật rõ rệt. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn luôn khuyến cáo, tăng cường quản lý trước những nguy cơ do thời tiết thất thường. Ông Trần Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Phú Giáo, cho biết hai trận mưa vừa qua không tác động đến ngành chăn nuôi, thậm chí còn được hưởng lợi do mưa nhiều, mưa trễ, mưa trái mùa làm cho nguồn cỏ phục vụ cho chăn nuôi của người nông dân dồi dào hơn. Tuy vậy, nhằm chủ động kiểm soát và đối phó với tình hình dịch bệnh, ngành đã cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình; đồng thời triển khai tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi đúng kế hoạch đề ra, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo, sau 2 trận mưa cuối mùa vừa qua, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng, nhất là cây điều, cây rau màu là rất cao. Do đó, sau khi mưa xảy ra, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện đã cử cán bộ điều tra, ghi nhận, nắm tình hình; đồng thời ra thông báo và hướng dẫn cho nông dân chủ động trong công tác phòng chống bệnh trên cây trồng. Ngoài ra, nếu có điều kiện, người nông dân có thể chủ động phun, xịt nước tưới cho cây mỗi ngày để tránh nguy cơ bị mất mùa do tình hình thời tiết gây ra.
HẢI SÂM