Mưa lớn, ngập lụt và cảnh báo biến đổi khí hậu
(BDO) Trong những ngày vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ đã xảy ra tình trạng ngập úng nặng nề do phải hứng chịu “cơn mưa lịch sử”. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông…, tình trạng cứ mưa lớn là ngập lụt bởi kết hợp với triều cường tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.
Tại TP.Hồ Chí Minh, “cơn mưa lịch sử” chiều tối ngày 26-9 đã gây ngập hơn 30 điểm, khiến người dân khó nhọc từ ngoài phố lẫn trong nhà. Người ta đưa ra những thống kê có vẻ gây nên sự hài hước nhưng lại không ai có thể cười được như: Quận 2, Thảo Điền thành sông. Quận 4, Xóm Chiếu, Hoàng Diệu sóng vỗ rì rào. Quận 6, Bình Tân đơn vị ngập là 1 bánh xe. Quận 9, có thể lấy ca nô dợt tới lui vài vòng thư giãn. Quận 10, Cao Thắng, 3 Tháng 2 vừa chạy vừa bơi. Quận Bình Thạnh, Thủ Đức, có thể thi bơi lội các kiểu trên quốc lộ 13...! Nhiều nơi trong thành phố, nhà thành hầm chứa nước! Tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhiều tuyến đường lớn chìm sâu dưới “biển nước”, có nơi ngập gần 0,5m như khu vực vòng xoay Biên Hùng, chợ Tân Phong, cầu Tân Mai, quốc lộ 1 đoạn gần Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất… Tại địa bàn tỉnh, dù có địa hình cao ráo, cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ “cơn mưa lịch sử” này, như tại khu vực TX.Tân Uyên đã xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ…
Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài, đã và đang chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thực tế trên cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, mưa lớn… đang có khuynh hướng tăng lên nhanh về cả cường độ và tần suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, gây thiệt hại cả về người và tài sản. Theo thống kê, hàng năm, thiên tai gây thiệt hại tương đương khoảng 1,5% giá trị GDP của Việt Nam. Mặc dù, thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đề cập đến biến đổi khí hậu như một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, sự nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng dân cư ở nước ta cũng chưa thật sự đầy đủ. Chính vì thế, cùng với các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thiết nghĩ cần phải hình thành ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, kể cả trong công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và cả thiệt hại về người, tài sản trước những diễn biến rất phức tạp, thất thường về thời tiết như hiện nay.
ĐÀM THANH