Mua hàng trực tuyến cần kiểm tra hàng trước khi thanh toán

Thứ hai, ngày 30/09/2019

(BDO)  Đó là lưu ý của ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Dương (ảnh) khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phổ biến, nhất là hình thức kinh doanh trực tuyến. Đây được xem là tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác, mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, việc kiểm soát, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này còn gặp khó khăn.

 - Thưa ông, những vi phạm nào liên quan đến kinh doanh trực tuyến trong những năm qua?

- Những năm gần đây, sự bùng nổ của internet, điện thoại thông minh cùng các ứng dụng mua hàng, chuyển khoản, thanh toán, giao hàng qua mạng góp phần thay đổi hành vi mua bán truyền thống của nhiều NTD. Với một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính kết nối internet, NTD dù đang ở bất cứ đâu đều có thể đặt mua đầy đủ các mặt hàng cần thiết.

Người bán rất dễ dàng, chỉ cần đăng ký một tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã có thể bán hàng, giao dịch trực tiếp với khách, không cần đăng ký kinh doanh, không cần mặt bằng, hóa đơn, nhân viên, không có sự kiểm soát đầu ra, đầu vào, nhà cung cấp, không nghĩa vụ thuế. Sự dễ dàng này tạo nên hiện tượng người bán hàng trực tuyến giao dịch qua tài khoản trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là loại hình “live stream” (phát trực tiếp).

Kinh doanh trực tuyến đem lại nhiều tiện lợi cho cả người mua và bán. Tuy nhiên, cũng vì thế mà ngày càng có nhiều trường hợp “biến tướng” về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng  nguồn gốc… trong hoạt động TMĐT. Việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này rất khó. Hành vi vi phạm chủ yếu hiện nay là do chủ thể bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm, cam kết về chất lượng hàng hóa khi bán cho NTD.

- Ông nói việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này rất khó, vậy đó là những khó khăn nào?

- Chúng tôi nhận định, cái khó khăn nhất đó là rất khó để nhận biết được hàng hóa thật, giả trên mạng bởi thông tin trên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện. Tuy nhiên một số trường hợp người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ. Họ đã “vô tình” tiếp tay cho những đối tượng mua bán hàng giả hoạt động.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện thanh tra 3 đơn vị và kiểm tra 11 đơn vị. Tổng mức xử phạt 500 triệu đồng. Đối với nhiệm vụ rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn gần 36.000 và hơn 3.000 tài khoản trên các sàn đã bị khóa.

Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ, hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm.

Một khó khăn nữa là hầu hết các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. 99% các giao dịch trên mạng hiện nay không có hóa đơn chứng từ. Chính vì vậy, công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở lên khó khăn.

Bên cạnh đó, kinh doanh qua mạng như Facebook, Zalo chưa được kiểm soát, nhất là đối với mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam. Cùng với đó, kiến thức, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực TMĐT của cán bộ thực thi việc kiểm tra còn nhiều khó khăn. Các website và trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại gây khó khăn cho công tác kiểm soát.

- Như vậy, ngành chức năng sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn?

- Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Bình Dương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên, đột xuất đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh qua mạng xã hội để tuyên truyền cũng như phát hiện, xử lý các vi phạm.

Chúng tôi cũng đang tham mưu để có phương án đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ với các công nghệ sử dụng trong hoạt động TMĐT trên thị trường hiện tại; cũng như thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoạt động TMĐT.

Nhà nước không cấm bán hàng qua mạng nhưng các cá nhân, doanh nghiệp cần xây dựng nhãn hiệu, đăng ký kinh doanh, bán hàng hóa phải chịu trách nhiệm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật.

- Riêng đối với NTD, ông có lưu ý gì với việc mua hàng trực tuyến để tránh mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng?

- Theo tôi, NTD khi mua hàng trực tuyến, nên chọn những trang kinh doanh trực tuyến có uy tín được cấp phép và có địa chỉ rõ ràng để mua, tránh trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trước khi chọn mua sản phẩm, cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, xem kỹ những quy định đổi trả hàng để cân nhắc khi mua hàng; xem xét hàng hóa trước khi thanh toán và yêu cầu người bán xuất hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành. Trong trường hợp bị lừa mua phải hàng kém chất lượng nên trình báo cơ quan chức năng kèm theo các hóa đơn để lấy đó làm cơ sở xem xét và tiến hành kiểm tra các địa chỉ bán hàng giả.

- Xin cảm ơn ông!

 THIÊN LÝ (thực hiện)