Mua hàng qua mạng: Rủi ro còn đó!

Thứ năm, ngày 25/05/2017

Công nghệ số hóa là một bước tiến vượt bật trong đời sống con người, cùng với đó là sự ra đời của các trang mạng xã hội, diễn đàn, hội, nhóm của những người cùng nghề nghiệp hoặc sở thích xuất hiện ngày một nhiều. Việc kinh doanh trên mạng cũng vì vậy mà hoạt động sôi nổi, hòa vào nhịp sống chung của những người thích mua sắm online (mua sắm qua mạng). Đi kèm với sự tiện lợi, thoải mái lựa chọn mẫu mã, màu sắc; tham khảo so sánh giá cả thì ở đó cũng có những rủi ro khi mua hàng online…

(BDO)

 

Một tài khoản đang rao bán các mặt hàng cá biển trên facebook

Hàng hóa đa dạng, tiện lợi

Trước đây, hoạt động bán hàng online thường chỉ tập trung vào một số mặt hàng “đặc trưng” như mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử - điện máy thì hiện nay hoạt động kinh doanh qua mạng tại Việt Nam đã trở nên hết sức phong phú, đa dạng về chủng loại hàng hóa lẫn cách thức thanh toán (bằng tiền mặt, chuyển khoản, nạp tiền điện thoại bằng thẻ cào, ví điện tử...).

Ngày nay, không cần đến chợ, siêu thị mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) hoặc chiếc máy tính bảng nhỏ gọn, hay chiếc laptop thì các “thượng đế” có thể lựa chọn hàng ngàn mặt hàng khác nhau, hết sức đa dạng đang được phục vụ trên facebook hoặc zalo. Từ facebook, các chị em nội trợ có thể mua cá biển, thịt gà làm sẵn, thịt heo sạch, cua… để chế biến bữa ăn cho gia đình. Nếu không có thời gian, thượng đế chỉ cần lướt xem qua hình ảnh trên facebook hoặc zalo và đặt hàng (bằng comment hoặc tin nhắn vào inbox qua 2 ứng dụng trên) thì người mua có thể chọn luôn bữa ăn tươm tất với các món ăn được nấu sẵn như: Khổ qua hầm thịt, canh chua cá, món kho, chiên, xào, luộc… đang được tiếp thị nhan nhản trên các trang mạng hiện nay.

Không chỉ là chuyện thực phẩm, ăn uống, mà các mặt hàng khác như thuốc chữa bệnh; mỹ phẩm, quần áo, giày dép, sản phẩm phục vụ nhu cầu giải trí, học tập văn hóa, chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ; luyện tập thể dục thể thao; vật dụng cần thiết cho gia đình, “đồ chơi” xe máy, xe ô tô cũng đều đang chào bán đầy dẫy trên mạng xã hội. Thậm chí, những món hàng “độc” như kính thiên văn, ống nhòm đa năng; công cụ hỗ trợ dành cho công tác an ninh như roi điện, súng bắn đạn nhựa… và các chế phẩm hỗ trợ cải thiện sinh lý cũng đều được tiếp thị hàng giờ trên faceboook, zalo. Và đây cũng chính là những nhóm mặt hàng dễ mang lại rủi ro cho người mua do không thể kiểm soát chất lượng hàng hóa mà mình muốn sở hữu đang được tiếp thị hết sức bắt mắt, hấp dẫn trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Những rủi ro tiềm ẩn

Để hiểu rõ hơn hoạt động mua bán hàng online, chúng tôi đã tìm gặp chị Nguyễn Thị Kim Ngân (TX.Bến Cát), chị là người rất thích tìm kiếm các sản phẩm thời trang trên mạng, chị nói: “Tôi thấy đẹp và phù hợp với bản thân thì mua thôi, trước khi mua tôi đã tham khảo qua cộng đồng mạng, những người dùng facebook, sau nhiều lần nhận hàng thấy cũng ổn, mình mua những trang uy tín thì không sao”.

Thế nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Ngân, trường hợp như chị BồThị Cẩm Tú (nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, TX.Bến Cát) là một ví dụ, chị hay vào trang Tiki.vn để mua hàng gồm: Giấy, bỉm, đồ dùng cho em bé, thỉnh thoảng chịcòn mua sách và mỹ phẩm, những mặt hàng này thường cósao mua vậy, nên ít gặp vấn đề, nhưng mua quần áo thì lại khác. Chị đã mua hàng ở trang của La... và không thấy ưng ý vì chất liệu vàmàu vải không đẹp như trong hình, nhưng chị không gửi trả lại vì cảm thấy rắc rối. Nếu có khiếu nại, yêu cầu đổi trả hàng thì cũng không chắc được giải quyết, trong khi tiền thì đã thanh toán.

Với anh Nguyễn Thanh Danh (TP.TDM), đến giờ vẫn còn “tức trong bụng” vì mua phải đồ dỏm trên mạng. Anh Danh cho biết, qua facebook, anh đặt mua 1 ống nhòm hiệu F36050 Telescop được quảng cáo là có khả năng nhìn được rất xa, phải từ 2km trở lên; đồng thời có khả năng tích hợp với ống kính quang học của camera điện thoại di động thông minh để chụp ảnh. Dù lúc đặt hàng, anh đã yêu cầu và được chấp nhận cho phép kiểm tra hàng hóa trước khi nhận hàng, nhưng khi nhân viên đến giao lại không cho kiểm tra tính năng thực tế của sản phẩm vì nhà cung cấp đã yêu cầu như thế. Trời chuyển mưa, cũng sắp đến giờ rước con tan trường, vả lại giá của chiếc ống nhòm chỉ gần 500.000 đồng nên anh Danh bấm bụng nhận hàng. Sau một lúc hì hục ngồi vặn vít, lắp ghép các ống kính, giá đỡ, anh Danh muốn bật ngửa khi chiếc ống nhòm trên chỉ có tầm nhìn còn kém hơn cả mắt thường, hoàn toàn không thể lắp ghép tích hợp vào smartphone như người bán đã quảng cáo. Khi gọi vào các số điện thoại mà bên bán cung cấp trên facebook cũng như hóa đơn bán hàng thì không liên lạc được. Cũng muốn cảnh báo, giúp cho những người khác không bị mắc lừa, anh Danh vào facebook trên comment (bình luận, phản ảnh) chất lượng sản phẩm thì bị xóa, chặn nick.

Chị Trần Thụy Bạch Thảo, nhân viên một cơ quan Nhà nước cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Những mặt hàng quần áo thì dễ có sự khác biệt lớn về chất lượng, màu sắc của sản phẩm so với hình ảnh được công bố. Tôi từng đặt mua dùm cho một đồng nghiệp một bộ quần áo mà chỉ có giá hơn 300.000 đồng, khi nhận được chất lượng vải không như ý dù mẫu mã đúng như hình quảng cáo. Có những loại sản phẩm đắt tiền đặt mua qua mạng vẫn được đổi trả lại sản phẩm khác khi không giống như thứ mình đã đặt mua. Nhưng nên nhớ là sản phẩm nào mua qua mạng mà không cho xem, kiểm tra chất lượng, tính năng trước khi trả tiền thì rất nhiều khả năng đó là hàng dỏm, kém chất lượng”.

 Ông NGUYỄN HỮU TÂN, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế): Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và facebook, zalo nói riêng, việc quản lý thuế đối với hoạt động này khá phức tạp. Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào thì cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, Tổng cục Thuế đang có đề án trình Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế đối với đối tượng này. Hiện nay Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung quy định nếu kinh doanh qua facebook, zalo thì phải đăng ký. Từ đó mới có cơ sở để cơ quan thuế cũng như các cơ quan khác giám sát, quản lý thu thuế thuận lợi hơn.

 Ông NGUYỄN VĂN BÁN, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (NTD) tỉnh Bình Dương: Ban đầu những giao dịch mua bán trực tuyến online qua mạng là một biểu hiện của văn minh trong nền kinh tế công nghiệp hóa đang chịu ảnh hưởng lớn của công nghệ số hóa. Tuy nhiên, dần dần về sau, nhất là thời gian gần đây việc mua bán hàng qua mạng xã hội có chiều hướng phức tạp gia tăng, với nhiều biến tướng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NTD. Qua phản ánh, chúng tôi đã từng can thiệp hiệu quả giúp cho một NTD tại TP.TDM được bồi hoàn khi mua hàng điện tử là cây vợt muỗi sử dụng điện. Cũng có trường hợp phản ảnh mua phải bộ tranh tượng mỹ thuật không đúng như giới thiệu. Chúng tôi khuyến cáo NTD khi giao dịch qua mạng xã hội thì chỉ chọn những trang, đơn vị, cá nhân buôn bán có uy tín, trách nhiệm, công tác hậu mãi tốt; còn những kẻ kinh doanh theo kiểu lừa đảo thì cần phải tố giác. Chúng tôi sẵn sàng đứng ra bênh vực, bảo vệ quyền lợi của NTD nếu được yêu cầu. Hiện nay, hệ thống siêu thị do các đơn vị trong và ngoài nước đầu tư, chợ truyền thống, các cửa hàng tự chọn đang rất phát triển, cũng đang giới thiệu, cung cấp hàng hóa trên mạng xã hội, website điện tử, chúng ta hãy vào đấy lựa chọn, đặt mua thì sẽ bảo đảm, an tâm hơn. Các bạn hãy là NTD thông thái và có trách nhiệm!

 Luật sư ĐÀO XUÂN THÀNH, Trưởng Văn phòng Luật sư Thành Vinh (phường Phú Thọ, TP.TDM): Các trường hợp giao dịch mua bán qua mạng thời gian gần đây đang có xu hướng ngày càng phức tạp. Bởi, cá nhân nào cũng có thể lập tài khoản trên các mạng xã hội để tiến hành giao dịch mua bán các sản phẩm của gia đình sản xuất hoặc mua đi bán lại các chế phẩm khác, thuộc đủ mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ở đây, mối liên hệgiữa người mua vàngười bán dựa trên sựtin tưởng làchủyếu. Theo quy định thì những sản phẩm giao dịch phải được đăng ký, đạt tiêu chuẩn cơ sở sản xuất hoặc những tiêu chuẩn khác do cơ quan chức năng quy định. Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng đang giao dịch trên các mạng xã hội hiện nay đều không thực hiện điều này. Và do còn nhiều lỏng lẻo trong việc quản lý các tài khoản kinh doanh bán hàng trên mạng xã hội nên dễ dẫn đến nhiều rủi ro cho NTD, bởi người bán có thể dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm của mình bằng cách đóng tài khoản, hủy số điện thoại giao dịch... Kết quả là người mua mất tiền, chịu ấm ức nhưng cũng không khởi kiện đến cơ quan chức năng hay Hội Bảo vệ quyền lợi NTD của địa phương mình cư trú như luật định. Văn phòng Luật sư Thành Vinh nhận tư vấn miễn phí cho NTD trong trường hợp mua phải các sản phẩm không đúng như niêm yết, quảng cáo, giới thiệu qua mạng xã hội cũng như các phương tiện khác.

CHÍ THANH - THÙY DƯƠNG

Từ khóa: