Mùa bầu cử Mỹ 2020: Vô cùng kịch tính và quá nhiều bất ngờ

Thứ hai, ngày 09/11/2020

(BDO)

Ông Joe Biden và vợ vẫy chào những người ủng hộ tại Wilmington, bang Delaware, Mỹ, ngày 7/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/11 (giờ Mỹ), ứng cử viên của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đã được các hãng truyền thông Mỹ thông báo là người cán đích khi đã có trong tay hơn 270 phiếu đại cử tri, số phiếu tối thiểu mà một ứng cử viên cần phải có.

Mặc dù chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt pháp lý trong những ngày tới đây do đội ngũ tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump không công nhận những kết quả trên, nhưng ông Biden thì đã tuyên bố đã sẵn sàng để đảm đương trọng trách dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”, như những gì ông cam kết khi tranh cử.

Cuộc đua kịch tính

Ngày 3/11 vừa qua, cử tri Mỹ đã chính thức đi bỏ phiếu để lựa chọn ra nhà lãnh đạo quốc gia và đứng đầu chính quyền để chèo lái đất nước trong 4 năm tới, với nhiệm vụ nặng nề là trước mắt đưa Mỹ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kép do đại dịch COVID-19. Đây là cuộc bầu chọn giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đại diện đảng Cộng hòa theo đường lối bảo thủ, với cựu Phó Tổng thống Joe Biden đại diện đảng Dân chủ theo đường lối tự do.

Không chỉ bầu chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống mới, trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri Mỹ cũng lựa chọn các gương mặt nghị sỹ cho nhiệm kỳ tới, theo đó bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, đồng thời bầu 11 vị trí Thống đốc bang và khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên cả nước.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng đa chiều, từ khủng hoảng y tế dẫn tới suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội, trong khi các vấn đề cố hữu ở Mỹ như chia rẽ chính trị và phân biệt chủng tộc vẫn chưa được giải quyết. Với hơn 10 triệu người nhiễm bệnh, hơn 243 nghìn người chết vì COVID-19, đại dịch đã càng khoét sâu thêm mâu thuẫn đảng phái, trở thành mối bận tâm hàng đầu của cử tri Mỹ trong việc chọn lựa ra người đứng đầu nước Mỹ trong cuộc đua năm nay.

Thật vậy, đại dịch COVID-19 đã để lại những vết chém dữ dằn trên cơ thể của nền kinh tế hàng đầu thế giới khi số người chết vì loại virus SARS-CoV-2 quái ác này vẫn tăng chóng mặt từng ngày, trong khi hàng chục triệu lao động điêu đứng vì rơi vào cảnh thất nghiệp, vô số doanh nghiệp làm ăn bết bát và đứng trước nguy cơ phá sản.

Cùng với đó, những cuộc biểu tình, nguy cơ bạo loạn xảy ra trong thời gian vừa qua cũng cho thấy, nước Mỹ đang chứng kiến một chương tối mới về nạn phân biệt chủng tộc... Trước “cơn bĩ cực” như thế, xúc cảm và niềm tin về một nước Mỹ với vai trò bá chủ thế giới dường như đã phai nhạt trong suy nghĩ của các cử tri Mỹ. Bởi vậy, khát khao lớn nhất của người dân Mỹ chính là họ cần một “người cầm cương quyền lực” đủ tài để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong bối cảnh đó, bước vào cuộc bầu cử Tổng thống lần này, đương kim Tổng thống Trump phát đi thông điệp "Giữ cho nước Mỹ vĩ đại", với những cam kết tập trung thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm và giảm thuế. Dịch bệnh khiến nền kinh tế số 1 thế giới suy thoái trầm trọng, hàng chục triệu lao động Mỹ mất việc làm, bởi thế, khôi phục tăng trưởng về mức trước đại dịch và tạo cả chục triệu việc làm mới là ưu tiên của vị tổng thống đương nhiệm. Tổng thống Trump đặt kế hoạch có vắcxin ngừa COVID-19 vào cuối năm, để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường từ đầu năm tới.

Ông cũng cam kết xử lý tình trạng biểu tình bạo lực, xốc lại đội ngũ thực thi pháp luật và hành động cứng rắn hơn với tình trạng nhập cư trái phép. Về đối ngoại, khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" được duy trì, trong đó mục tiêu ưu tiên là thương mại cân bằng, bớt đóng góp quốc tế, giảm can thiệp bên ngoài và tập trung củng cố nội lực để thúc đẩy nước Mỹ mạnh mẽ hơn...

Trong khi đó, với nhiều quan điểm trái ngược so với đại diện của đảng Cộng hòa, ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden bước vào cuộc đua năm nay với khẩu hiểu "Xây dựng lại tốt đẹp hơn". Trong đó, ưu tiên hàng đầu là ứng phó dịch COVID-19, mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, còn gọi là Obamacare, chứ không như đối thủ từ đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm.

Bãi bỏ chương trình giảm thuế của chính quyền đương nhiệm, ông Biden còn đề xuất tăng thuế doanh nghiệp. Mục tiêu khí hậu đầy tham vọng được ông Biden đưa ra, cùng cam kết đưa nước Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Tương tự, về đối ngoại, không đồng tình với những bước đi của Nhà trắng vừa qua rút Mỹ khỏi các cơ chế, tổ chức và thỏa thuận toàn cầu, đại diện đảng Dân chủ chủ trương khôi phục vị thế quốc tế của Mỹ, với một loạt cam kết thay đổi, như cải thiện mạnh mẽ quan hệ Mỹ và đồng minh, nhất là trong NATO và ở châu Âu, thúc đẩy giải quyết tranh chấp với các đối tác thương mại bằng đối thoại, hoặc các nỗ lực quốc tế, thay vì phát động cuộc chiến thương mại...

Quá nhiều bất ngờ

Theo các chuyên gia, cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay đã cho thấy quá nhiều yếu tố bất ngờ xét từ khía cạnh sự lựa chọn của cử tri. Ba ngày sau ngày bầu cử chính thức 3/11 kết thúc, cuộc đua vẫn chưa thể ngã ngũ với rất nhiều diễn biến kịch tính. Liên tiếp trong thời gian này, các hãng truyền thông đưa ra rất nhiều số liệu không thống nhất về kết quả của các bang đã kiểm xong phiếu.

Tính đến ngày 6/11, trong khi hãng thông tấn Mỹ AP và hãng tin Fox News đã công bố ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng tại bang Arizona và được 264 phiếu đại cử tri, còn ông Trump có 214 phiếu, thì một số hãng như CNN, NBC News và New York Times đưa tin có nhầm lẫn trong quá trình thống kê số phiếu đã kiểm đếm tại bang này, vì vậy ông Biden mới có 253 phiếu đại cử tri. Ở thời điểm này thì vẫn còn ít nhất 6 bang, gồm nhiều 4 bang chiến địa Georgia, Pennsylvania, North Carolina, Arizona, cùng Nevada và Alaska chưa kiểm xong phiếu. Và lúc này ông Joe Biden và ông Donald Trump vẫn bám đuổi hết sức sít sao, thậm chí gần như tương đương nhau tại cả 6 bang này.

Tuy nhiên, sang đến ngày 7/11, kết quả đã ngã ngũ. Theo đó, các hãng truyền thông của Mỹ đồng loạt đưa tin, ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đã giành được 20 phiếu đại cử tri ở bang Pennsylvania, đưa tổng số phiếu ông có được là 273 phiếu.

Ít phút sau khi giành chiến thắng tại bang Pennsylvania, ông Joe Biden tiếp tục có thêm 6 phiếu đại của tri của bang Nevada. Do đó, ông đã giành được 279 phiếu đại cử tri, còn ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump thì vẫn dừng ở con số 214 phiếu đại cử tri.

Hiện vẫn chưa có kết quả kiểm phiếu cuối cùng tại một số bang như Georgia, North Carolina, Arizona. Theo hãng tin AP, tại bang Georgia, với 99% số phiếu bầu đã được kiểm, ông Biden giành được 49,5% phiếu ủng hộ, tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 49,3%. Tại bang North Carolina, kết quả kiểm 99% số phiếu bầu cho thấy, ông Trump dẫn trước ông Biden với tỷ lệ 50,1% và 48,7%. Tại bang Arizona, với 90% số phiếu được kiểm đếm, ứng cử viên đảng Dân chủ giành được 49,6% số phiếu bầu, ứng cử viên đảng Cộng hòa đạt được 48,9% số phiếu bầu.

Mặc dù vậy, với việc có hơn 270/538 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden đã có đủ điều kiện để trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Sẵn sàng “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”

Sáng ngày 8/11 (theo giờ Việt Nam), ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ông Joe Biden đã có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua được cho là có nhiều điều khác biệt nhất trong lịch sử nước này, chủ yếu vì tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong bài phát biểu của mình từ quê nhà ở bang Delaware, ông Biden khẳng định lựa chọn của người dân đã mang đến một chiến thắng thuyết phục và rõ ràng cho nước Mỹ. Ông cũng cam kết ưu tiên tìm kiếm "sự đoàn kết" trong nhiệm kỳ sắp tới, nhấn mạnh vì mục tiêu tiến bộ "chúng ta không nên coi những người đối lập là kẻ thù".

Ông Biden cũng khẳng định nhiệm vụ sắp tới của chính phủ mới sẽ là huy động mọi "phương thức đúng đắn" để dồn tổng lực cho cuộc chiến chống COVID-19 và xây dựng quốc gia thịnh vượng. Theo đó ngay từ ngày 9/11 tới, ông Biden sẽ bắt tay vào việc lựa chọn một nhóm các nhà khoa học và chuyên gia cố vấn về tình hình dịch bệnh đồng thời cam kết sẽ không "phí hoài một nỗ lực dù nhỏ nhất" để đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Biden cũng bày tỏ cảm thông với các cử tri ủng hộ đối thủ của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng là đương kim Tổng thống Donald Trump và cam kết sẽ điều hành chính phủ với tư cách là một tổng thống của mọi người dân. Cho rằng người dân Mỹ mong muốn đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ cùng hợp tác, ông Biden khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành trọng trách mà người dân giao phó và để mở đường đặt dấu chấm hết cho sự chia rẽ đảng phái tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ như ứng phó với biến đổi khí hậu và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng được ông Biden coi là những nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới.

Đồng hành cùng ông Biden trong bài phát biểu trên còn có bà Kamala Harris-liên danh tranh cử với ông Biden trong cuộc đua năm nay. Phát biểu cùng ông Joe Biden trước người ủng hộ tại Chase Center, thành phố Wilmington, bang Delaware, bà Harris khẳng định người dân Mỹ đã "mở ra một ngày mới" với một thông điệp rõ ràng khi lựa chọn hy vọng và đoàn kết, khoa học và sự thật. Bà nhấn mạnh người dân đã lựa chọn "đại diện tiêu biểu nhất" để lãnh đạo đất nước.

Bài phát biểu của bà Harris được đánh giá là truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nữ giới trên cả nước với niềm tin rằng bà là người phụ nữ đầu tiên nhưng chắc chắn không phải cuối cùng đảm nhận vị trí này vì Mỹ là quốc gia của "cơ hội". Bà cũng dành lời tri ân tới người mẹ quá cố, bà Shyamala Gopalan Harris, một người nhập cư từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, bà Haris cũng kêu gọi "nhổ tận rễ" chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đề cao tinh thần đoàn kết. Việc bà Harris cùng xuất hiện phát biểu cùng với ông Biden được cho là tín hiệu thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng mà ông Biden sẽ giao phó cho bà trong thời gian tới bởi thông thường các tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ xuất hiện một mình trong giờ khắc quan trọng này, thay vì chia sẻ sân khấu với "Phó tướng".

Hiện cử tri Mỹ đang kỳ vọng rằng, với bề dày kinh nghiệm trên chính trường, ông Joe Biden sẽ sát cánh cùng bà Kamala Harris, nữ Phó Tổng thống đắc cử đầu tiên trong lịch sử, sẽ sớm “chèo lái” để đưa đất nước nước vượt qua cuộc khủng kép về y tế và kinh tế nghiêm trọng hiện tại, khắc phục tình trạng chia rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội trong lòng nước Mỹ, hàn gắn quan hệ đã bị sứt mẻ với các đồng minh và đối tác, phát huy vị thế và vai trò cường quốc số một thế giới trong tham gia giải quyết các thách thức chung của nhân loại và qua đó khôi phục hình ảnh từng có của nước Mỹ./.

Theo TTXVN