Mua bán hồ sơ xin việc giả
Kỳ 1: Hồ sơ giả…
Kỳ 2: … Hậu quả thật
Để có một việc làm trang trải cuộc sống, nhiều công nhân đã chấp nhận bỏ tiền ra nhờ người khác “lo giùm” hồ sơ giả (HSG) để xin việc làm mà không biết rằng hậu quả cuối cùng chính mình phải lãnh đủ… Nhân viên BHXH tỉnh (trái) kiểm tra đối chiếu hồ sơ NLĐ
Một chứng minh nhân dân đứng tên 2 hồ sơ
Trong thời gian gần đây, tình trạng hồ sơ bị trùng tên chứng minh nhân dân (CMND) được cơ quan BHXH phát hiện rất nhiều. Mỗi tuần, BHXH tỉnh đã dành 1 đến 2 buổi tiếp dân để mời những lao động có hồ sơ bị trùng tên đến trực tiếp BHXH xác minh hồ sơ trùng của người lao động (NLĐ). Qua xác minh, một số trường hợp NLĐ nêu lý do không đủ tuổi lao động, ở xa quê hoặc bị mất CMND nên mượn CMND của người thân hay bạn bè để “nhờ” dịch vụ làm hồ sơ xin việc làm. Khi xin được việc CMND này được trả lại chính chủ thì người chủ đúng tên CMND lại tiếp tục mang đi xin việc làm nên mới xảy ra tình trạng hai người có hai sổ BHXH, công việc và nơi làm việc khác nhau nhưng cùng sử dụng chung một CMND. Khi giải quyết chế độ, cơ quan BHXH phát hiện trùng tên liền gửi thông báo về công ty nơi làm việc để mời hai bên lên xác minh ai là người thật, ai là người mượn hồ sơ để giải quyết trước khi phát sinh các chế độ BHXH. Những trường hợp trùng tên mà chúng tôi đã ghi nhận được, cụ thể như: Công nhân L.T.S, ở Công ty TNHH Green Vina vừa được BHXH Bình Dương phát hiện trùng hồ sơ cá nhân. Ngày 23-10- 2012, BHXH Bình Dương đã mời chị đến để xác minh hồ sơ cá nhân tham gia BHXH. Theo chị S. dù không cho mượn hồ sơ và cũng không làm mất CMND nhưng có người đã sử dụng hồ sơ của chị làm việc tại Công ty TNHH Myung Shin Viva. Sau khi đối chiếu bản gốc các loại giấy tờ liên quan thì hồ sơ của chị S. làm việc tại Công ty TNHH Green Vina là thật, có CMND gốc đối chiếu. Qua xác minh, BHXH Bình Dương đề nghị Công ty TNHH Myung Shin Viva không tăng lao động do sử dụng HSG. Hay trường hợp của chị P.T.T.N, công nhân Công ty TNHH IMG cho em gái mượn hồ sơ đi làm tại Công ty TNHH CF Vi Na. Khi tăng mới lao động tham gia BHXH thì cơ quan BHXH phát hiện trùng hồ sơ. BHXH đã đề nghị Công ty TNHH CF Vi Na không tăng lao động vì sử dụng HSG. Đây là hai trong số hàng ngàn hồ sơ đang bị trùng tên mà khi giải quyết các chế độ, BHXH đã phát hiện.
Người lao động bị thiệt nếu sử dụng hồ sơ giả
Vì miếng cơm manh áo, nhiều NLĐ mượn hồ sơ người khác hoặc mua HSG để đi làm việc. Có thể do hoàn cảnh khó khăn, chưa đủ tuổi hoặc che giấu quê quán. Hiện tượng này thường gặp khi hồ sơ của công nhân xin việc làm ở các khu công nghiệp trong tỉnh. Việc sử dụng hồ sơ mượn sẽ dẫn đến những hậu quả mà NLĐ phải gánh chịu như không có cơ sở giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Theo BHXH tỉnh, NLĐ mượn hồ sơ mang tên người khác để tham gia BHXH, BHYT là đã khai thông tin không đúng sự thật. Nếu cơ quan BHXH phát hiện các trường hợp như vậy sẽ mời những NLĐ bị trùng tên trong hồ sơ để làm biên bản xác minh hồ sơ cá nhân tham gia BHXH để giải quyết các chế độ cho NLĐ. Khi đó, một trong hai người bị trùng tên CMND thì người mượn hồ sơ phải cam kết chấp nhận hủy bỏ thời gian tham gia BHXH.
Khi tiếp nhận giải quyết các chế độ cho NLĐ, BHXH Bình Dương đã phát hiện 1.625 hồ sơ bị trùng CMND (tính đến tháng 9-2012). Cơ quan BHXH đã mời những NLĐ bị trùng tên trong hồ sơ để làm biên bản xác minh hồ sơ cá nhân tham gia BHXH để giải quyết các chế độ cho NLĐ. Khi đó, một trong hai người bị trùng tên CMND trong đó một người tên CMND thật và một người mượn hồ sơ đi làm phải cam kết chấp nhận hủy bỏ thời gian tham gia BHXH trùng.
Đối với những trường hợp đã thanh toán các chế độ mới phát hiện không đúng đối tượng thì BHXH thu hồi tiền trợ cấp đã chi trả. Tuy nhiên, hiện chỉ có quy định xử phạt áp dụng đối với NLĐ có hành vi khai báo sai sự thật (tức là người mượn hồ sơ), chưa đề cập việc xử phạt vi phạm đối với người cho mượn hồ sơ. Không kể trường hợp mượn hồ sơ để đi làm vì mục đích xấu. Với những người muốn có việc làm để nuôi sống bản thân và được hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT thì việc mượn hồ sơ sẽ dẫn đến nhiều thiệt thòi. Trước mắt, những người này có thẻ BHYT nhưng thẻ mang tên người khác nên không được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh hoặc trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thai sản do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ tham gia BHXH mà thời gian qua, BHXH cũng gặp nhiều trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thai sản do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ và không liên lạc được người cho mượn tên để đến giải quyết trợ cấp. Tương tự là tình trạng “tình ngay lý gian” đối với những người được hưởng trợ cấp BHXH một lần. Người cho mượn tên là người có đầy đủ giấy tờ pháp lý để nhận các trợ cấp chứ không phải người mượn tên, mặc dù người mượn tên là người thực chất có tham gia đóng BHXH, BHYT. Còn những NLĐ mượn hồ sơ để đi làm nhưng không may họ bị tai nạn lao động, hay tử vong thì khi đó cơ quan chức năng sẽ xác minh người thật thì họ không được giải quyết các chế độ tuất vì trên giấy báo tử khác tên với người tham gia BHXH…
Do vậy, việc mượn giấy tờ của người khác để xin việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi BHXH hoặc gặp rắc rối nếu chẳng may dùng tên của người đang bị cơ quan công an truy nã...
Phó Giám đốc BHXH TRẦN NGỌC ĐỊNH: Khi tuyển phải xem xét tính hợp pháp của hồ sơ
Mặc dù trong thời gian qua, BHXH đã có văn bản gửi đến các đơn vị, doanh nghiệp khi tiếp nhận hồ sơ xin việc thì phải xem xét kỹ để tránh tình trạng hồ sơ bị trùng tên, giả ảnh hưởng đến quyền lợi về sau của NLĐ. Tuy nhiên, có một số công ty do thiếu hụt lao động nên phớt lờ dù biết đó là HSG.
Qua đây, BHXH Bình Dương cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp khi tuyển lao động phải xem xét tính hợp pháp của hồ sơ, trường hợp chỉ sử dụng lao động đã tuyển dụng, có trường hợp NLĐ mượn hồ sơ đi làm, có thông báo và giải thích cho NLĐ biết việc sử dụng hồ sơ người khác khi phát sinh các chế độ BHXH thì không có cơ sở để cơ quan BHXH xem xét giải quyết. Do vậy, công ty đề nghị NLĐ mượn hồ sơ đi làm nhanh chóng báo với công ty điều chỉnh tên đúng của mình và tiếp tục tham gia BHXH.
Về phần công ty cũng cần hỗ trợ trong việc này, thực trạng hiện nay do nhu cầu việc làm để sinh sống, NLĐ vì lý do chưa đủ tuổi, phân biệt vùng miền phải mượn hồ sơ để đi làm, công ty khi phát hiện cần tạo điều kiện để NLĐ điều chỉnh tên đúng của mình, không nên chấm dứt hợp đồng lao động.
Quản lý nhân sự nhà máy Công ty Orange Fashion TRƯƠNG DUY DIỆM:Nhiều lao động đến xin việc sử dụng HSG
Trong thời gian qua khi một số công nhân đã dùng HSG đến xin việc, cán bộ nhân sự công ty phát hiện, nhiều bộ HSG đã bị loại. Do đặc thù của một số ngành chủ sử dụng lao động thường căn cứ vào sức khỏe, trình độ... trong hồ sơ để bố trí công việc cho phù hợp. Nếu NLĐ được đưa vào vị trí làm việc không phù hợp với sức khỏe và năng lực sẽ không đáp ứng yêu cầu công việc và dễ gây ra tai nạn lao động hay các bệnh nghề nghiệp. Tại công ty trong thời gian qua đã xảy ra trường hợp người em mượn hồ sơ của người chị đi làm. Khi người em bị tai nạn chết, cơ quan chức năng phát hiện HSG mang tên của người chị nên người em không được hưởng tiền tuất. Ngành may mặc được xếp vào ngành sản xuất trực tiếp có độc hại nên yêu cầu về sức khỏe của công nhân. Trong thời gian qua không ít hồ sơ đến xin việc cũng bị công ty phát hiện giấy khám sức khỏe giả. Đối với những trường hợp này, công ty hủy giấy khám sức khỏe và yêu cầu NLĐ phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám xác nhận tình trạng sức khỏe. Để tránh những hậu quả khó lường về sau, khi tuyển dụng các doanh nghiệp cần xem xét kỹ từng hồ sơ xin việc để NLĐ khi vào làm việc không bị ảnh hưởng đến các quyền lợi chính đáng của họ.
VĂN SƠN