MTTQ các cấp: Nhiều nỗ lực trong công tác phản biện xã hội
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện hoạt động phản biện xã hội (PBXH). Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động PBXH là nội dung tương đối mới, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định.
(BDO)
Hội nghị phản biện “chủ trương quy hoạch khai thác xuống độ sâu xuống 150m và kéo dài thời gian khai thác đá tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức
Nhiều nỗ lực
Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Quy chế giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội” được đánh giá là “cây gậy” hữu hiệu cho hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Qua 5 năm triển khai quyết định này, hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ và đoàn thể các cấp đã có bước chuyển mới, tích cực và hiệu quả hơn. Nội dung giám sát đã thực hiện nhuần nhuyễn, hiệu quả nhưng nội dung PBXH vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế nhất định, do các nội dung, lĩnh vực được tổ chức phản biện thường là các vấn đề nóng được nhân dân quan tâm; công tác tổ chức đòi hỏi phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trong khi chưa có các hướng dẫn chi tiết cho việc triển khai nội dung này.
Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện phản biện một số nội dung, lĩnh vực quan trọng; trong đó điển hình là tổ chức phản biện “chủ trương quy hoạch khai thác xuống độ sâu xuống 150m và kéo dài thời gian khai thác đá tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp”. Cùng với MTTQ tỉnh, MTTQ các huyện, thị, thành phố cũng đã mạnh dạn, chủ động lựa chọn đề xuất các nội dung, lĩnh vực để tổ chức PBXH. MTTQ các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức phản biện được 5 cuộc gồm: Phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị Thuận An giai đoạn 2016- 2020; phản biện dự án mở rộng Nghĩa trang nhân dân TX.Dĩ An giai đoạn 2; phản biện dự thảo Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một giai đoạn 2017-2020; phản biện Chủ trương xây dựng phòng học trường Tiểu học Duy Tân (TX.Bến Cát); phản biện Phương án thu hồi đất trường Thiếu niên 3 Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng).
Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong các nội dung PBXH trên thì nội dung phản biện đối với dự án mở rộng Nghĩa trang nhân dân TX.Dĩ An do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TX.Dĩ An tổ chức đã mang lại kết quả cao; tạo được sự đồng thuận và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân địa phương.
Số lượng chưa nhiều
Cũng theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, việc thực hiện Quyết định 217 được MTTQ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên kết quả đạt được chủ yếu là trên lĩnh vực giám sát, còn đối với hoạt động PBXH, do đây là lĩnh vực tương đối mới, thời gian đầu chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhận thức chưa thống nhất nên việc PBXH của MTTQ cấp xã chỉ dừng lại ở việc phản biện, góp ý các văn bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương quy hoạch sử dụng đất của địa phương… đối với các lĩnh vực khác thì không tổ chức hội nghị.
Đánh giá về hoạt động PBXH của hệ thống MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong thời gian qua, ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết qua 5 năm thực hiện Quyết định 217 cho thấy, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy được vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện quy định về giám sát và PBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân; luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quan tâm ủng hộ của chính quyền và các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai hoạt động PBXH.
MTTQ một số địa phương đã tăng cường đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực trong các tổ chức thành viên tham gia vào quá trình PBXH nhằm tạo bước đột phá cho hoạt động giám sát và PBXH. Hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã hiệu quả hơn nhưng số lượng các hội nghị PBXH còn rất ít trong khi đó yêu cầu từ thực tế thì rất cần có hoạt động này. Một số cấp ủy, cơ quan các cấp chưa thực sự quan tâm đến hoạt động PBXH, một số nơi còn nặng tâm lý e ngại nên thực tế cho thấy, công trình dự án có thể tổ chức PBXH thì rất nhiều nhưng việc triển khai PBXH thì chỉ thực hiện được trên một số chương trình, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Huỳnh Đình, để hoạt động PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, MTTQ cần chủ động nghiên cứu tìm ra các nguyên nhân và kiến nghị hoàn chỉnh các cơ chế còn thiếu, chưa đồng bộ làm cản trở quá trình PBXH; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nhận thức, hiểu biết; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác cho cán bộ, đoàn viên, hội viên; nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt của MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội tại các địa phương.
Cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp và các sở ngành cần tăng cường lựa chọn các lĩnh vực, nội dung, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phản biện. “MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh cần chủ động và mạnh dạn hơn trong việc lựa chọn các lĩnh vực, các nội dung thiết thực phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, liên quan mật thiết đến đời sống, quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân để tổ chức PBXH”, ông Nguyễn Huỳnh Đình nói.
CAO SƠN