Một thương binh luôn nghĩ về đồng đội

Thứ ba, ngày 30/07/2013

    Ông Nguyễn Văn Lơ vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thăm đồng đội của mình nhân dịp 27-7Bị thương một chân, bước đi không được bình thường nhưng ông vẫn khỏe mạnh. Đang làm gì hay ở đâu, nếu gợi lại thời chiến tranh là ông như sống lại một thời chiến đấu hào hùng. Ông nhớ từng trận đấu, nhớ nhiều nhất là trận đánh mùng 8 tết Mậu Thân năm 1968. Trong trận đấu đó, ông làm Tiểu đội trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Đồng Nai. Tiểu đoàn của ông được tổ chức phân công ở chung với đơn vị Biệt động C65, tỉnh Thủ Dầu Một. Lúc đó, địch càn xuống bắn phá dữ dội, một số đồng đội của ông bị thương và hy sinh. Ông nhận nhiệm vụ đưa thương binh qua sông về xóm Cuốc, rồi quay lại khảo sát trận địa thì thấy có 6 đồng chí đã hy sinh, ông vội đưa thi thể đồng đội vào nhà dân và đích thân tắm rửa cho các đồng đội, rồi nhờ hai đồng chí ở cơ sở chôn cất giùm. Sau ngày giải phóng, ông tìm đến hai đồng chí này và nghe họ nói sau khi ông đi, họ phát hiện thêm hai thi thể nữa, vậy là có đến 8 đồng đội hy sinh. Nghe vậy, ông lập tức tìm đủ cách để liên lạc với gia đình họ, quyết tâm đưa hài cốt về quê nhà chôn cất.

Trở về với đời thường, ông Lơ chuyển ngành và được điều động làm Giám đốc Xí nghiệp Chế biến lâm sản Bình Dương. Cuộc sống đầy đủ, sung túc nhưng vị giám đốc không hề quên đồng đội, ông không nguôi ý định đi tìm mộ liệt sĩ. Từ năm 1977, khi Nhà nước có chủ trương quy tập mộ liệt sĩ, không biết bao lần ông cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gia đình đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Có lần ông và cả đoàn băng xuống ruộng tìm, tìm mãi đến quên cả ăn cơm, uống nước. “Đi từ sáng đến 2 giờ chiều, vừa đi, tôi vừa nhớ lại nơi mình từng chiến đấu, nơi đã chôn xác đồng đội. Tôi bật nhớ và chỉ phía mép bờ ruộng, thế là những người đi tìm cùng bắt đầu đào khoảng 1m, họ la lên “thấy xương rồi”. Giây phút đó, lòng tôi vui mừng khôn xiết, xúc động đến nỗi không nói nên lời”. Ông kể và nói tiếp: “Không chỉ tìm kiếm hài cốt cho đồng đội mà phải tìm cho các anh cái tên mà cha mẹ đặt từ lúc nhỏ để khắc lên mộ các anh, như vậy tôi mới an lòng”.

NGỌC NHƯ