Một thương binh có lối sống mẫu mực

Thứ bảy, ngày 15/07/2017

(BDO) Đến xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, hỏi ông Út Dùm (tên thật Nguyễn Văn Dùm) ai cũng biết. Nhờ sống gương mẫu, gia đình nhiều năm đạt gia đình văn hóa, thân tình với xóm giềng mà bà con làng trên xóm dưới đều quý mến ông.


Ông Nguyễn Văn Dùm chăm sóc vườn lan

Gặp ông vào buổi sáng muộn, ông đang chăm chút mảnh vườn cây cảnh của gia đình. 71 tuổi, ông Dùm khỏe khoắn vui tươi, tay chân linh hoạt, thoăn thoắt vun bón từ chậu cây này qua chậu hoa khác. Ngạc nhiên hơn, ông có trí nhớ tinh tường, mọi sự kiện dường như còn in rõ từng thời khắc trong tâm tưởng.

Ông kể, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1959, khi mới 13 tuổi, ông đã hoạt động cách mạng bí mật ở Thới Hòa. Đến năm 1964, khi bị lộ, ông thoát ly, công khai hoạt động lực lượng vũ trang du kích xã. Năm 1965, gia nhập Đại đội súng máy cao xạ (thuộc Sư đoàn 9). Ngày 5-3-1966 là ngày ông không bao giờ quên. Đội súng máy cao xạ của ông có 26 người, tất cả đều chết và bị thương. Ông và một đồng chí may mắn sống sót. Riêng ông, cánh tay trái bị ghim nhiều mảnh bom, bất tỉnh nhiều giờ. Cùng năm, người đồng chí ấy đã hy sinh trong trận đánh khác. Ông tâm sự: “Trong quân ngũ, tình cảm đồng chí, đồng đội rất thương nhau. Không phê bình mà chỉ thân tình bảo ban, góp ý. Xác định chiến đấu là hy sinh, mất mát, nhưng hễ hy sinh là coi như hoàn thành nhiệm vụ”.

Năm 1968, khi đang là Đại đội trưởng, ông bị thủng bàng quang trong trận đánh ở Củ Chi. Sau khi lành vết thương, ông tiếp tục tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, đến năm 1972 quay về tỉnh Bình Long cũ. Năm 1986, ông về công tác tại Công ty Cao su Dầu Tiếng và nghỉ hưu năm 2006. “Khi bộ đội về làm kinh tế luôn học hỏi anh em để làm. Làm một cách vô tư, trung thực, chân chính. Luôn nhớ tình cảm với đồng chí, đồng đội nên tuyển nhiều con em chính sách, khó khăn. Ai làm không tốt không cho thôi việc mà củng cố, chỉ bảo sao cho được...”, ông Dùm nói. 20 năm gắn bó với nông trường cao su, ông luôn là người đứng đầu tận tâm, tận lực. Đưa ra nhiều phong trào, mô hình kết hợp mang tính đột phá như: Gác bảo vệ tài sản, cất nhà trú mưa, làm lại hộ khẩu cho công nhân, xây dựng chế độ bảo hiểm cho lao động...

Về với gia đình, trong 10 năm, bằng sức lực của người thương binh 3/4, ông cùng gia đình khai hoang, sở hữu vườn điều hơn 6 ha. Rồi ông nuôi trồng cây giống, vừa lai tạo để bán vừa chuyển đổi trồng lại cây cao su. Nhờ nguồn thu này, ba người con của ông ăn học thành tài, luôn hiếu thuận với cha mẹ. Trước nhà, khu vườn trái cây xanh mướt với đủ loại cam, dừa, đu đủ, măng cụt... đều do tự tay ông trồng và chăm sóc hàng ngày. Đứng giữa vườn lan nhỏ, ông nâng niu từng cánh hoa và cho biết lịch ra hoa của từng nhánh. Với ông, cuộc sống từ đây là gắn bó với thiên nhiên và yên vui bên con cháu.

THÙY DƯƠNG