Một tấm lòng cao đẹp

Thứ năm, ngày 31/07/2014
Lòng nhân ái không có điểm dừng, nếu xuất phát từ cái tâm. Không chỉ đắp đường giúp bà con đi lại dễ dàng, chắp cánh ước mơ đến trường để bao lớp học sinh nghèo được làm quen với con chữ, chia sẻ chén cơm, manh áo với những cảnh đời còn khó khăn trong cuộc sống… ông Nguyễn Văn Thiền, ngụ số 29A, khu phố Châu Thới, phường Bình An, TX.Dĩ An còn là tấm gương của sự nỗ lực vuợt khó vươn lên không chỉ vì bản thân mình mà còn vì cả những người khác nữa.

Vượt lên thoát nghèo

Ông Nguyễn Văn Thiền được nhiều người quý mến và thường hay gọi là chú Hai Thiền. Riêng các em nhỏ ở lớp học tình thương khu phố Châu Thới thì gọi ông là ông ngoại Thiền. Trước đây, ông sống chủ yếu bằng nghề nông nên gia đình rất nghèo khó. Như con ong thợ chăm chỉ, cần mẫn, ông vừa miệt mài lao động, vừa chắt chiu, dành dụm… Đến khi có được chút vốn kha khá, ông Thiền quyết định đầu tư làm nghề đá mài. Với đôi bàn tay khéo léo, cộng với việc nắm bắt nhu cầu thị trường rất nhanh, ông lại tiếp tục chuyển qua đầu tư sản xuất mộc gia dụng, rồi đến mở xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ. Cơ sở của ông Thiền mỗi năm giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập khá ổn định. Và khi kinh tế gia đình khấm khá, một trong những điều ông nghĩ đến nhiều nhất là hỗ trợ lại cho người nghèo.

   Ông Nguyễn Văn Thiền luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn không chỉ vì bản thân mà còn vì những người xung quanh mình

Dù đã ở cái tuổi 77, nhưng ông Thiền trông vẫn còn rất khỏe, nụ cười luôn nở trên môi. Đặc biệt, chưa bao giờ ông cho phép mình nghỉ ngơi. Hàng ngày, ngoài thời gian ở xưởng, thời gian còn lại ông dành toàn bộ cho các hoạt động nhân đạo. Nhiều bà con trong khu phố hay nói “Ông Hai Thiền còn nặng nợ với người nghèo. Xã hội này có thêm thật nhiều người như ông thì người nghèo bớt khổ”.

Những nghĩa cử cao đẹp

Bà Nguyễn Thị Hoài, ngụ tổ 5, khu phố Châu Thới, phường Bình An chỉ con đường phía trước nhà, cho biết: “Con đường này cứ mùa mưa đến là xuống cấp, lầy lội rất khó đi lại. Nhưng năm nào cũng vậy, hễ thấy hư là anh Hai Thiền tự bỏ tiền túi ra đổ đất, đá làm lại đường. Mỗi năm cũng từ 5 - 6 triệu đồng. Có khi giữa trưa nắng chang chang, không ai phụ, ông cũng tự đổ đất, đổ đá hì hụi làm một mình”. Còn ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân trong khu phố, tiếp lời: “Chú Thiền tốt lắm, chú luôn quan tâm đến đời sống của bà con, từ trẻ em đến thanh niên. Lớp học tình thương ở miễu Ông Cọp, khu phố Châu Thới, từ ngày thành lập đến nay mọi thứ chú đều tài trợ, từ bàn ghế, sách vở đến quần áo cho tụi nhỏ”.

Chị Ngô Thị Mai, quê Tiền Giang, hiện tam trú ở đây cũng xúc động kể lại: “Cách đây vài năm, tôi bị nổi bướu trong vòm miệng. Vốn làm thuê kiếm sống qua ngày nên tôi không có tiền để phẫu thuật, suốt thời gian dài phải chịu đau đớn. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, chú Thiền đã giúp tôi toàn bộ chi phí để phẫu thuật. Nhờ đó tôi đã hết bệnh, cuộc sống, công việc của tôi ngày càng ổn định”.

Không chỉ đắp đường giúp bà con đi lại dễ dàng, chắp cánh ước mơ đến trường để bao lớp học sinh nghèo được làm quen với con chữ, chia sẻ chén cơm, manh áo với những hoàn cảnh không may… ông còn chia sẻ tấm lòng với những người đã khuất. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bình An, khẳng định: “Chú Thiền là người đến với công tác từ thiện thật sự bằng cái tâm thiện nguyện. Nhiều hộ nghèo tại địa phương, gia đình có người vừa mất, nghe tin gia đình không đủ tiền làm đám tang là chú chạy đến liền và lo toàn bộ mọi thủ tục ma chay. Thậm chí cả những người ngoài địa phương chú cũng giúp đỡ, vậy mà mỗi khi hội đề nghị tuyên dương, khen thưởng chú đều từ chối khéo”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Tấm lòng ấy chính là sự quan tâm, sẻ chia với mọi người xung quanh mình. Đó là điều vô giá trong cuộc sống vốn nhiều bộn bề và lo toan như hiện nay. Ở ông Nguyễn Văn Thiền, tấm lòng ấy thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!

 NGỌC THANH