Một số nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015

Thứ bảy, ngày 27/08/2016

(BDO)  Nguyên tắc bình đẳng

Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 1, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.

Đây là nguyên tắc thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền của con người. Điều 16 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Căn cứ vào quy định quan trọng này của Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra nguyên tắc trên. Đây cũng là nguyên tắc được kế thừa trong các Bộ luật Dân sự trước đây.

Nội dung của nguyên tắc này là các cá nhân không phân biệt giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo... đều được pháp luật dân sự bảo đảm như nhau khi thực hiện các quyền về nhân thân như quyền sống, quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, uy tín, quyền được kết hôn hay những quyền về tài sản như quyền được tặng cho, được thừa kế, được tự mình hoặc thông qua các quan hệ đại diện, ủy quyền để thực hiện các giao dịch nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khác của bản thân. Các pháp nhân không phâp biệt là pháp nhân thương mại hay pháp nhân phi thương mại đều có quyền được pháp luật dân sự bảo vệ như nhau về các quyền gắn liền với pháp nhân như quyền có tên gọi, quyền đăng ký kinh doanh, nhất là quyền tự chủ về tài sản.

Thực hiện nguyên tắc quyền bình đẳng của các cá nhân, pháp nhân trong Bộ luật Dân sự cần phân biệt các trường hợp hạn chế thực hiện các quyền này. Đối với cá nhân, những trường hợp người già, người chưa thành niên, người khuyết tật là những người bị hạn chế về khả năng nhận thức và thực hiện hành vi thì họ vẫn có quyền bình đẳng trước sự bảo vệ của pháp luật. Vì thế các trường hợp này, Bộ luật Dân sự quy định chế định giám hộ (từ Điều 46 đến Điều 63). Người giám hộ sẽ đại diện cho họ thực hiện các quyền dân sự bình đẳng như các chủ thể khác. Đối với pháp nhân, sự bình đẳng giữa các loại pháp nhân (thương mại hay phi thương mại), thì không phân biệt hình thức của pháp nhân là nhà nước, hợp tác xã hay tư nhân; các pháp nhân hợp nhất, sát nhập, chia tách, chuyển đổi hình thức thì các pháp nhân chỉ được Bộ luật Dân sự bảo vệ bình đẳng như các pháp nhân khác khi pháp nhân được công nhận về mặt pháp lý của Nhà nước. Các trường hợp pháp nhân giải thể thì đương nhiên mất sự bảo vệ của Bộ luật Dân sự.

Tóm lại, nguyên tắc bình đẳng trong Bộ luật Dân sự xác định: Các cá nhân và pháp nhân đều bình đẳng với nhau khi tham gia các quan hệ dân sự; bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ khi các quyền và nghĩa vụ đó được xác lập; bình đẳng với nhau về trách nhiệm dân sự nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ đều phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Nguyên tắc mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng của Bộ luật Dân sự yêu cầu các cá nhân, pháp nhân và những bên có liên quan phải tôn trọng quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, cá nhân và pháp nhân khi tham gia các giao dịch dân sự. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan Nhà nước khác phải bảo đảm cho cá nhân và pháp nhân thực hiện quyền bình đẳng trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự và các giao dịch dân sự khác. Không tổ chức nào, cá nhân nào được quyền cản trở cá nhân và pháp nhân thực hiện sự bình đẳng trong quan hệ dân sự. (Còn tiếp)

Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Kế hoạch 711/KH-UBND ngày 13-3-2014 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.