Một số điểm mới nổi bật của Luật Thanh tra năm 2022

Thứ bảy, ngày 15/07/2023

(BDO) Ngày 14-11-2022, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2023 và thay thế Luật Thanh tra năm 2010. Luật Thanh tra năm 2022 có 8 chương và 118 điều, tăng 1 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra 2010. Theo đó, Luật Thanh tra năm 2022 có một số điểm mới nổi bật như sau:

- Về phạm vi điều chỉnh: Luật Thanh tra năm 2022 bỏ quy định về Ban thanh tra nhân dân bởi vì hoạt động thanh tra mang tính quyền lực Nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở.

- Về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra: Luật Thanh tra năm 2022 quy định cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm có 5 nhóm: Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trước đây, Luật Thanh tra năm 2010 quy định cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm có 2 nhóm: Cơ quan thanh tra Nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

- Về thành lập thanh tra sở: So với Luật Thanh tra năm 2010 thì Luật Thanh tra năm 2022 có điểm mới đáng chú ýđó là thanh tra sở không đương nhiên thành lập mà thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp: i) Theo quy định của luật; ii) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; iii) Tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

- Về vị trí, chức năng của thanh tra sở: Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của giám đốc sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính của thanh tra tỉnh; chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ.

- Về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra: Theo Luật Thanh tra năm 2010, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Còn theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 thì chỉ thủ trưởng cơ quan thanh tra mới có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra.

- Về Trưởng đoàn thanh tra, Phó trưởng đoàn thanh tra: Luật Thanh tra năm 2022 quy định Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra phải là thanh tra viên.

SỞ TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG