Một số dịch vụ ăn theo lễ hội Chùa bà Bình Dương: Cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh

Thứ hai, ngày 14/02/2011

Hàng năm, cứ bắt đầu từ mùng một tết kéo dài cho đến hết rằm tháng giêng, Lễ hội chùa Bà Bình Dương là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách hành hương. Càng gần tới rằm tháng giêng là thời điểm chính của Lễ hội chùa Bà, hai bên đường quanh khu vực chùa Bà cứ tấp nập xe cộ của khách hành hương tìm chỗ gửi. Đây cũng là thời điểm “làm ăn” của những dịch vụ quanh khu vực chùa Bà...

Một số điểm giữ xe giá “trên trời”

Càng đến gần ngày rằm tháng giêng thì hầu hết các nhà dân gần khu vực chùa Bà cũng đồng loạt trở thành điểm giữ xe và thường được các thanh niên đứng trước cửa chèo kéo khách. Mặc dù đã được  ngành chức năng quy định giá giữ xe, nhưng một số điểm vẫn thu tiền với giá cao. Chị Hạnh Nguyên, du khách từ TP.HCM cho biết: “Mặc dù dán bảng giá gửi xe máy 5.000 đồng, nhưng khi tôi trả tiền, họ đòi 10.000 đồng mỗi chiếc, mũ bảo hiểm thu thêm 5.000 đồng”. Giá gửi xe ô tô cũng ở mức “trên trời” từ 40.000 - 60.000 đồng mỗi chiếc tùy loại. Điều dễ nhận thấy là các bãi giữ xe đều có treo băng rôn “hoành tráng” nhưng không có treo bảng niêm yết giá. Tùy theo điểm giữ xe, có chỗ lấy giá mỗi chiếc 10.000 đồng, có chỗ lấy giá 5.000 đồng mỗi chiếc, gửi thêm mũ bảo hiểm xin thêm 5.000 đồng nữa.

Mặc dù lực lượng quản lý đã có nhiều biện pháp kiểm tra, lập biên bản điểm giữ xe vượt giá quy định, nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ có thể xử phạt chứ không thể đóng cửa các điểm giữ xe này.

Bát nháo nhang đèn dạo

Vừa bước gần đến khu vực chùa Bà thì những đội ngũ bán nhang, đèn, bán bông dạo bát nháo, mồi chài gây ra sự phiền toái, khó chịu cho du khách. Bó nhang chỉ 2.000 đồng nhưng có người phải mất 20.000 đồng để trả cho người bán. Một cây nhang đại ở đây có giá bán thấp nhất là 10.000 đồng, nhang to có giá đến vài trăm ngàn đồng. Những mâm lễ nhỏ gồm vài loại trái cây và ít vàng mã cũng được bán với giá 50.000 đồng, cao gấp 2 - 3 lần giá trị thật.

Rồi tới những người đốt nhang giùm cũng đòi tiền công, nhiều du khách hành hương không biết nên cứ tưởng là nhân viên đốt nhang hộ của Lễ hội chùa Bà phục vụ khách hành hương. Một du khách đến từ Đồng Nai cho biết: “Tôi mới vừa mở bó nhang ra thì ở đâu có người đàn ông chạy đến nói để tôi đốt nhang giùm cho. Tôi không nghĩ ngợi gì cứ để cho người ta đốt nhang cho mình. Xong, người đàn ông này đòi tiền “lì xì” với giá từ 2.000 - 5.000 đồng”.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng trên để bảo vệ vẻ mỹ quan và để lại tiếng thơm trong lòng khách thập phương đến viếng Lễ hội chùa Bà Bình Dương.

THOẠI PHƯƠNG