Một số đàn bò bị bệnh lở mồm, long móng

Thứ tư, ngày 02/10/2013

Hơn một tuần nay, một số chủ trâu, bò ở xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát và phường Định Hòa, TP.TDM thấp thỏm lo âu khi phát hiện đàn bò ở đây bị mắc bệnh lở mồm, long móng. Không ít người đã nhốt bò tại chuồng, cắt cỏ cho ăn chứ không dám thả rông vì sợ lây lan!  Nhờ phối hợp chữa trị bệnh kịp thời, hiện đàn bò của ông Đắc đang bình phục nhanh

 Chiều 28-9, đứng nhìn đàn bò đang gặm cỏ ở bãi đất trống thuộc ấp An Hòa, xã Hòa Lợi, ông Nguyễn Văn Đắc cảm thấy nhẹ lòng vì đã phần nào trút được nỗi âu lo. “Mấy ngày qua, cả nhà tôi mất ăn mất ngủ, vì đột nhiên cả đàn bò 16 con lăn ra ngả bệnh. Lúc đầu chỉ thấy chúng bị xù lông, sau đó móng bị đau đi cà nhắc và miệng chúng có mùi hôi thối. Tôi kiểm tra thì thấy đầu lưỡi của bò bị lở loét. Vào ngày 26-9, khi thả bò ra ăn ở bờ cỏ giáp ranh trong khu vực, rất nhiều con trong đàn đã nằm bẹp không đi đứng được, phần chân móng đều bị nứt nẻ nên tôi đã chạy báo ngay cho cán bộ thú y của xã đến kiểm tra. Do đàn bò không đi nổi về nhà nên suốt 2 ngày liền tôi móc võng ở bìa rừng cao su, nằm canh đàn bò mà lòng nặng trĩu. Khoảng 4 năm trước, đàn bò của tôi cũng bị đau móng chứ miệng mồm thì không bị lở loét như lần này. Ngay sau khi nhận được tin báo, cán bộ thú y huyện Bến Cát đã đến tiêm thuốc, cấp thuốc sát trùng vết thương ở móng bò. Mặt khác, cũng qua kinh nghiệm của bạn bè truyền lại, tôi đã dùng nước trái khế chua pha với muối đem cho bò uống, sau đó dùng xác khế trộn với muối mà chà xát vào vết thương đầu lưỡi chúng. Cách làm này hiệu quả rất cao, chỉ vài hôm là vết thương đã lành, bò có thể gặm cỏ”.

Nhiều nông dân cho biết, một con bò trưởng thành hiện thị trường có giá khoảng 30 triệu đồng, nên họ không thể không lo lắng khi có dịch bệnh xảy ra; bởi đối với họ thì đàn bò đôi khi là cả gia tài. Ông Nguyễn Văn Trinh, nhà ở ấp An Hòa, xã Hòa Lợi cho biết: “Hiện ở ấp An Hòa có nhiều đàn bò mắc bệnh lở mồm, long móng đã được bà con phát hiện khoảng 10 ngày nay. Vì sợ thả bò đi ăn rông dễ bị lây lan, nên mấy ngày qua tôi nhốt bò ở chuồng nhà rồi đi cắt cỏ từ xa đem về. Nếu cắt cỏ ở gần khu vực này thì cũng e rằng không bảo đảm…”. Trao đổi với P.V về bệnh lở mồm, long móng ở đàn bò có khả năng bùng phát, ông Võ Văn Hết, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi, cho biết: “Ngay sau khi biết tin đàn bò bị bệnh, xã đã cho cán bộ thú y xuống kiểm tra; đồng thời báo ngay cho cán bộ thú y huyện Bến Cát xuống phát thuốc, giúp dân trị bệnh cho bò. Cụ thể, đến nay thì tất cả đàn bò ở ấp An Hòa này đều đã được tiêm phòng, cho sát trùng vệ sinh chuồng trại. Xã cũng đã thông báo rộng rãi cho người dân biết rõ tình hình để chủ động ngăn ngừa, không thả bò ra ăn ở khu vực đồng cỏ nghi ngờ nhiễm bệnh, tránh lây lan. Đến bây giờ, ngoài ấp An Hòa ra thì đàn bò ở các ấp khác trên địa bàn xã chưa bị mắc bệnh lở mồm, long móng”.

Theo tìm hiểu của P.V, bệnh này trước đó được phát hiện ở phường Định Hòa, TP.TDM. Ông Trương Bửu Long, Đội trưởng Đội Bảo vệ thành phố mới Bình Dương, cho biết: “Cách đây khoảng hơn 10 ngày, khi các nhân viên bảo vệ của đội tuần tra trên địa bàn giáp ranh phường Định Hòa thì phát hiện nhiều con trâu, bò nằm liệt không đi nổi và chúng bốc mùi hôi thối, sau đó bệnh dần lây sang xã Hòa Lợi. Thấy bệnh này có chiều hướng lan nhanh nên chúng tôi đã gọi điện đến lãnh đạo các phường, xã để báo tin, nhằm sớm có biện pháp xử lý giúp cho bà con”.

Sáng 30-9, khi P.V đến phường Định Hòa tìm hiểu, được biết có khá nhiều đàn bò ở đây đã mắc bệnh. Cách đây mấy hôm, khi anh Nguyễn Trọng Biên, cán bộ phường kết hợp với cán bộ thú y TP.TDM xuống kiểm tra dịch bệnh thì phát hiện 2 đàn bò của hộ ông Phan Tấn Lộc và Nguyễn Trường Kỳ có đến 30 con bị đau móng. Tại khu phố 5, đàn bò của ông Trịnh Văn Ngon có 6 con, thì 2 con đã mắc bệnh. Trước đó, chiều 28-9, khi P.V đến tìm hiểu ở khu phố 8, chị Đặng Ngọc Thủy, chủ đàn bò có gần 60 con cho biết hiện có gần 10 con trong đàn đã mắc bệnh và đang chữa trị. Anh Bạch Thanh Hùng, người chăn bò cho một hộ ở khu phố 8 cho biết: Đàn bò 38 con mà anh đang chăn dắt đã có 5 con mắc bệnh. Ban đầu, anh thấy chúng bị xù lông, rồi bị đau chân và sụt ký rất nhanh… Ông Nguyễn Văn Đâu, Chủ tịch UBND phường Định Hòa cho biết: “Những ngày qua, cán bộ thú y của phường đã kết hợp với cán bộ thú y TP.TDM tìm đến những gia đình có bò bị bệnh để cấp thuốc, giúp người dân chữa trị bệnh tật cho bò. Chúng tôi đang gấp rút thống kê, nắm lại tất cả số bò trong phường mắc bệnh để tìm cách ngăn ngừa tốt nhất”.

Trong 10 ngày qua, sau khi phát hiện dịch bệnh lở mồm, long móng trên đàn bò, 2 địa phương xã Hòa Lợi và phường Định Hòa đã có nhiều biện pháp tích cực giúp dân phòng dịch; song vẫn còn không ít gia đình rất chủ quan, khi phát hiện bò mắc bệnh cũng không báo ngay cho chính quyền địa phương mà lặng lẽ chữa trị theo cách riêng của mình. Như thế, dịch bệnh dễ có khả năng lây lan sang các địa bàn giáp ranh như: Phú Chánh, Vĩnh Tân của huyện Tân Uyên…

Không nên quá lo lắng về bệnh lở mồm, long móng ở trâu, bò

Trao đổi với P.V, ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Thỉnh thoảng bệnh lở mồm, long móng ở trâu, bò vẫn xuất hiện ở các địa phương; nếu được phát hiện kịp thời và tổ chức tiêm phòng tốt thì sẽ sớm khống chế được dịch bệnh. Sau khi phát hiện bệnh xảy ra ở địa bàn xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát và phường Định Hòa, TP.TDM, chúng tôi đã cử cán bộ thú y nhanh chóng xuống cơ sở, tổ chức tiêm phòng, chữa trị và khống chế không để dịch bệnh lây lan. Hiện nay, bệnh lở mồm, long móng trên bò chưa lây lan sang các địa phương khác trong tỉnh.

 QUẢNG ĐIỀN