Một nghị định đủ tính khoa học và thực tiễn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9-2013. Mục đích của nghị định là tạo hành lang pháp luật một cách công khai, minh bạch để internet Việt Nam tiếp tục phát triển. Nghị định chú trọng đến thông tin trên internet, thứ nhất là thông tin điện tử, mạng xã hội và game online. Đây là 3 lĩnh vực đang được xã hội hết sức quan tâm. Một vấn đề đáng chú ý nữa là nghị định phân biệt rõ 5 loại trang tin điện tử như: trang tin điện tử tổng hợp, trang tin điện tử cá nhân, trang tin điện tử của các doanh nghiệp… Nghị định quy định rõ như vậy để những ai muốn lập trang tin điện tử thì họ phải biết họ có quyền gì và giới hạn đến đâu, rõ ràng hơn, minh bạch hơn.
Tuy nhiên, càng gần tới ngày nghị định bắt đầu có hiệu lực, sự xuyên tạc, vu khống càng tăng lên. Nhiều luồng ý kiến theo quan điểm tự do, những bài viết trên thế giới mạng internet đã nhìn nhận một cách sai lệch. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động viện lý do này để lái sang chiêu bài dân chủ, nhân quyền, cho rằng nội dung nghị định đã siết chặt internet, vu cáo Nhà nước áp đặt quản lý, ngăn cản quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Ở Việt Nam, sau 15 năm chính thức hòa mạng internet, song song với sự phát triển vượt bậc về ứng dụng các dịch vụ internet, cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bên cạnh phần lớn blogger, facebooker sử dụng blog, trang facebook cá nhân làm địa chỉ thể hiện, giao lưu có ý tính văn hóa, lại có một số blogger sử dụng blog, trang facebook cá nhân làm nơi thực hiện hành vi thiếu văn hóa, bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác, thậm chí biến blog, trang facebook cá nhân thành nơi truyền bá sai trái quan điểm, chính sách của Ðảng và Nhà nước… Thực trạng đó cho thấy, việc lành mạnh hóa và việc quản lý internet bằng pháp luật là hết sức cần thiết. Thế giới mạng internet cũng phải chịu sự quản lý bằng pháp luật như những gì mà các thể chế Nhà nước đã thực hiện để quản lý xã hội. Rõ ràng, nếu chúng ta không có chế tài, không có những quy định về sử dụng internet để phát huy những mặt tích cực thì những mặt tiêu cực, hạn chế của nó sẽ tác động đến đời sống xã hội, đến văn hóa, nhận thức, tư tưởng, lối sống, đặc biệt là lối sống thanh thiếu niên. Chính vì vậy, bất cứ một quy định nào khi ban hành bao giờ cũng nhằm đạt mục đích quản lý và phát triển. Mục đích quản lý internet là để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và an ninh thông tin, bảo đảm lợi ích quốc gia và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Xét về hình thức, Nghị định 72 có vẻ ràng buộc nhưng khi xét về mặt nội dung, nó quy định một cách đầy đủ nhất. Ở khoản 3, Điều 3 nghị định ghi rõ: “Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”; còn trang thông tin điện tử cá nhân chịu trách nhiệm của chủ thể, đặc biệt là chịu trách nhiệm với các bình luận, comment. Với những quy định cụ thể đó, những ai cho rằng, Nghị định 72 siết chặt internet, hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thì đó là tư duy ngụy biện. Nghị định 72 không hề hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nghị định 72 ra đời là một xu hướng tất yếu, đủ tính khoa học và phù hợp với thực tiễn.
MAI HUY