Một mùa tuyển sinh kỳ lạ!

Thứ bảy, ngày 29/08/2015

(BDO) Mùa tuyển sinh đại học năm nay đang diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Điểm chung bao trùm của mùa tuyển sinh đại học năm nay là hồi hộp, lo âu và mệt mỏi không riêng đối với thí sinh mà cả cha mẹ các em. Đổi mới thi cử là chuyện phải làm và đứng ở góc độ tích cực mà nhìn nhận thì kỳ thi “2 trong 1” năm nay là thành công. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều điều trong vấn đề thi cử và tuyển sinh đại học cần tiếp tục được xem xét đổi mới để mùa tuyển sinh đại học những năm tiếp theo không còn tiếng oán thán của thí sinh và người nhà thí sinh. 

Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện đổi mới thi cử theo hướng tinh giảm bớt một kỳ thi, nhưng theo nhận định của nhiều người thì kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học năm nay là thành công; các hội đồng thi được đặt theo cụm rải đều khắp cả nước đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm tốn kém đi lại của thí sinh. Còn theo nhận định của Bộ Giáo dực và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Thành công của một kỳ thi lần đầu thực hiện theo hướng đổi mới là điều đáng mừng, nhưng điều khiến nhiều người lo ngại vẫn là sự kỳ lạ diễn ra sau kỳ thi.

Điểm kỳ lạ thứ nhất là những quy định và cách thức tuyển sinh của một số trường đại học tốp trên khiến cha mẹ thí sinh mệt mỏi, còn thí sinh thì suy sụp! Một người mẹ sau hơn nửa tháng cùng con hồi hộp theo dõi kết quả xét tuyển vào một trường đại học, tâm sự: “Con tôi đã rớt đại học một cách bất ngờ và tức tưởi vì tiêu chí phụ không biết từ đâu ra. Tôi mệt mỏi, còn con tôi thì hoàn toàn suy sụp…”. Điểm kỳ lạ thứ hai là sự “trước sau bất nhất” về chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường. Không ít thí sinh than phiền chỉ vì nhà trường thông báo một đường, tuyển sinh một nẻo nên thí sinh không biết đâu mà lượng sức mình, để rồi phải rớt oan uổng!

Điểm kỳ lạ tiếp theo của mùa tuyển sinh đại học năm nay là một số trường đưa ra mức điểm trúng tuyển “kỷ lục” mà ngay cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định đây là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử thi cử, tuyển sinh ở Việt Nam. Thí sinh nữ dự tuyển khối C vào ngành luật Học viện An ninh nhân dân, phải đủ 30 điểm mới trúng tuyển là điều không tưởng, nhưng vẫn đang diễn ra! Nếu một thí sinh nữ có điểm ưu tiên tuyệt đối là 3,5 điểm, thì điểm thi 3 môn văn, sử, địa phải đạt 26,5 để trúng tuyển vào một trường đại học là chuyện không bình thường, vì đây là “của hiếm” khó có thể đạt được trong các mùa tuyển sinh trước.

Đổi mới học hành, thi cử để nâng cao chất lượng giáo dục là điều mong mỏi của toàn xã hội. Điểm số thi cử là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục, nhưng “của hiếm” của các mùa thi cử trước đang trở thành điểm trúng tuyển đại học năm nay ít nhiều làm mất niềm tin của xã hội vào kết quả thi cử được đánh giá là thành công. Đành rằng, để hoàn thiện chuyện đổi mới thi cử, tuyển sinh đại học phải có thời gian, nhưng đừng vì thế mà để chuyện thi cử, tuyển sinh vốn bình thường trở thành kỳ lạ!

LÊ QUANG