Một mùa lễ hội vui tươi, ý nghĩa

Thứ hai, ngày 24/06/2024

(BDO) Sau một tuần diễn ra rộn ràng, Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 với chủ đề “Lái Thiêu mùa hẹn” đã chính thức khép lại. Những hoạt động vui tươi, ý nghĩa trong lễ hội không chỉ thu hút nhiều người tìm đến để vui chơi, giao lưu văn hóa, thể thao, mà còn kết nối các hoạt động liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, du lịch, cũng như thu hút thêm du khách đến với Bình Dương trong thời gian tới.

Đọng lại nhiều cảm xúc

Theo Ban Tổ chức lễ hội, điểm nhấn đặc sắc của lễ hội chính là chương trình lễ khai mạc diễn ra vào đêm 15-6. Tham gia lễ khai mạc, khán giả đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật sân khấu hóa hết sức đặc sắc với chủ đề “Hương sắc Bình Dương”. Qua đó, người xem cảm nhận được không khí trong lành, mát mẻ bên những vườn cây trái ngọt lành, những món ngon mang hương vị quê nhà của miệt vườn Lái Thiêu xưa. Một số đặc sản của vùng đất Lái Thiêu đã trở thành di sản văn hóa tinh thần của cư dân địa phương, vang danh khắp nơi cả trong và ngoài nước.

Lễ hội “Mùa trái chin” năm 2024 đã kết thúc thành công tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng với người dân, du khách. Ảnh: HỒNG THUẬN

Hội thi “Duyên dáng Bình Dương” năm nay được Ban Tổ chức lễ hội nâng tầm nhằm tôn vinh vẻ đẹp và các giá trị trí - đức - thể - mỹ của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Bình Dương nói riêng. Tại vòng chung kết, 27 thí sinh đại diện cho 9 huyện, thành phố trong tỉnh đã cùng nhau tranh tài ở 3 nội dung: Trình diễn trang phục áo bà ba, trình diễn trang phục dạ hội và thi ứng xử. Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao 12 giải thưởng cá nhân và 4 giải phụ dành cho các thí sinh tham gia.

Các gian hàng trái cây phục vụ người dân xuyên suốt lễ hội

Hội chợ trái cây và Liên hoan ẩm thực - du lịch với chủ đề “Ngọt ngào phương Nam” là hoạt động diễn ra xuyên suốt các ngày lễ hội, phục vụ hàng ngàn lượt người tham gia mỗi ngày. Hoạt động này đã thu hút 114 gian hàng tham gia bày bán trái cây tươi, các sản phẩm chế biến từ trái cây, giống cây ăn trái, các món ăn, thức uống đặc trưng của Bình Dương và một số tỉnh, thành khác. Theo thống kê của Ban Tổ chức, ước tính có hàng chục tấn trái cây đã bán ra trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, trong đó măng cụt, sầu riêng là 2 loại trái cây được du khách ưa thích và chọn mua nhiều nhất.

"Góp phần rất lớn vào thành công của Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 đó là nhờ sự chung tay góp sức, đồng hành, phối hợp tích cực của các ngành, các địa phương, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ đã chung tay đồng hành cùng Ban Tổ chức với mong muốn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc khôi phục các vườn cây ăn trái của tỉnh Bình Dương”.

(Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024)

Giải việt dã chủ đề “Cung đường mùa trái chín” đã thu hút gần 3.000 vận động viên là cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Lộ trình đường đua là cung đường quanh các vườn cây ăn trái của phường Hưng Định và phường An Thạnh. Sau khi kết thúc các cự ly chạy, Ban Tổ chức đã tiến hành trao giải cho các vận động viên, đồng thời mỗi vận động viên về đích được nhận 1 tấm huy chương lưu niệm.

Một hoạt động khác cũng được phát động trong thời gian diễn ra lễ hội đó là Hội thi ảnh đẹp mùa trái chín với chủ đề “Sắc màu quê hương”. Theo đó, có 47 tác giả là các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên của Bình Dương và các tỉnh, thành phố trên cả nước đã cùng tham gia sáng tác, ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong mùa lễ hội năm nay. Sau 3 vòng chấm điểm, 11 tác phẩm xuất sắc/228 tác phẩm dự thi đã được Ban Tổ chức trao giải; trong đó tác phẩm “Sum vầy” của tác giả Bùi Việt Hưng đạt giải nhất. Bên cạnh đó, Triển lãm ảnh đẹp du lịch Bình Dương cũng đã trưng bày 80 bức ảnh đẹp giới thiệu, quảng bá về du lịch Bình Dương, du lịch sinh thái, vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh nói chung, vườn cây ăn trái Lái Thiêu nói riêng đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Cùng với các hoạt động trên, trong không gian lễ hội năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, như liên hoan, giao lưu đờn ca tài tử Nam bộ và chương trình ca nhạc đường phố hàng đêm... Hòa mình vào những hoạt động này, du khách đã được trải nghiệm một không gian lễ hội văn hóa kết hợp thể thao, du lịch, ẩm thực vui tươi, hấp dẫn và ý nghĩa.

Với nhiều hoạt động vui tươi, sôi nổi, Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách

Đạt mục tiêu đề ra

Qua 8 ngày diễn ra rôi nổi (từ ngày 15 đến 22-6), Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay đã thu hút đông đảo người dân, du khách gần xa tham gia trong nhiều hoạt động sôi nổi. Theo Ban Tổ chức, thành công của lễ hội năm nay có sự tham gia tích cực của các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông và Tây Nam bộ; các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh cùng với sự ủng hộ, đồng hành của các nhà tài trợ đã hỗ trợ cho các hoạt động trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024, khẳng định Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay đã diễn ra thuận lợi, an toàn, đạt được mục tiêu, yêu cầu cơ bản mà Ban Tổ chức đã đề ra.

Các hoạt động phong phú của lễ hội đã phục vụ tốt nhu cầu của người dân và du khách

Ngoài những hoạt động vui tươi, sôi nổi, thành công của mùa lễ hội năm nay còn có vai trò rất quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau khi kết thúc lễ hội. Công tác truyền thông được thực hiện một cách hiệu quả đã góp phần đưa Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 đến gần hơn với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh và an toàn thực thẩm tại lễ hội được thực hiện tốt. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông được các đơn vị an ninh hỗ trợ, phối hợp thực hiện đồng bộ, góp phần làm cho lễ hội thành công, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân và du khách trong và ngoài tỉnh. 

CẨM LÝ