Một lòng “đau đáu” với làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp
(BDO) Trong những ngày thực hiện chuỗi bài về làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp của rất nhiều người có liên quan, gắn bó với sơn mài. Họ là những họa sĩ, chủ cơ sở sơn mài, thợ làm sơn mài. Ai nấy đều mong muốn làng nghề được bảo tồn và phát triển để lưu giữ ngành nghề truyền thống của cha ông…
Họa sĩ Nguyễn Tấn Công (trái) nói chuyện về tranh sơn mài
Nghề không phụ người…
Nghề Sơn mài ở Tương Bình Hiệp đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đây là loại hình nghề thủ công truyền thống.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Công, giáo viên Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hoá Bình Dương là người có nhiều năm giảng dạy bộ môn sơn mài và vẽ tranh sơn mài. Ông cho rằng, tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng dòng chảy của sơn mài, sức sống của sơn mài là còn mãi với thời gian. Ông cũng cho rằng, đừng lo không có đội ngũ kế thừa, những gì thuộc về truyền thống, tinh hoa của nghề nghiệp mà cha ông để lại sẽ còn mãi, trao truyền từ đời này sang đời khác.
Nghề sơn mài vẫn được chọn để theo đuổi bởi biết bao điều đam mê, thú vị trong đó. Biết bao nghệ nhân đang ngày đêm miệt mài với sản phẩm sơn mài. Nghề không phụ người và những ai theo nghề này vẫn sống tốt với công việc mà họ đã chọn.
Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài- Điêu khắc tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn mài Tư Bốn cũng cho biết: hiện nay sơn mài có chững lại do thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, do sức tiêu thụ không nhiều như thời cực thịnh nhưng còn đó những người thợ, những nghệ nhân mấy chục năm vẫn gắn bó với nghề. Họ truyền nghề lại cho con cháu trong gia đình hay cho những ai muốn gắn bó với nghề này.
Họa sĩ Nguyễn Văn Quý bên tác phẩm “Chùa Hội Khánh”
Cũng với suy nghĩ nghề không phụ người, ông Trần Văn Nhỏ, bà Nguyễn Thị Nhu (nhân viên Công ty TNHH sơn mài Tư Bốn, phường Tương Bình Hiệp) là những người gắn bó với sơn mài từ 20-30 năm nay cho biết, họ vẫn làm sơn mài đến khi không còn đủ sức khỏe để làm thì thôi. Ngoài 60 tuổi họ vẫn làm sơn mài bởi đây là nghề đã giúp họ chăm lo cho người thân trong gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành.
Sẵn sàng truyền nghề…
Họa sĩ Nguyễn Văn Quý, Chi hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam (Phụ trách Bình Dương), Phó Chủ tịch, Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc tỉnh Bình Dương, bày tỏ niềm vui khi có thông tin về xây dựng làng nghề truyền thống để bảo tồn và phát triển. Ông cũng rất mong muốn được truyền nghề cho thế hệ sau. Các cơ sở sơn mài có thể gửi học viên đến làng nghề để học sau đó ứng dụng vào nghề nghiệp của mình. Chưa kể khi có làng nghề, nơi đây sẽ là điểm du lịch độc đáo thu hút du khách gần xa.
Những người thợ tại cơ sở Sơn mài Định Hòa
UBND TP.TDM đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phường Tương Bình Hiệp, TP.TDM. Theo đó, tổng diện tích khu đất là 54.207 m2 (khoảng 5,42ha). Quy mô người lao động khoảng 1.455 đến 2.438 người. Làng có các khu chức năng là công trình văn hóa, phục vụ hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch, nhà thờ Tổ, công trình bảo tồn hoạt động Làng sơn mài và đất xây dựng khu quản lý – thực hành và dạy nghề, khuôn viên chung quanh… |
Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống sẽ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. Đây là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống, mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề ở Bình Dương.
“Chúng tôi mong muốn sớm có làng nghề, mong có nhà thờ tổ để mỗi năm có dịp giỗ tổ nghề, tri ân tiền nhân đã để lại cho hậu thế nghề sơn mài độc đáo này”, đó là mong muốn chung của những người mà chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi.
Mong rằng, làng nghề truyền thống của người dân Bình Dương, sản phẩm sơn mài một thời vang bóng sớm được hình thành ở nơi đây, để người dân Bình Dương càng tự hào hơn, yêu hơn quê hương mình…
Quỳnh Như