Một lần đến thăm rừng Trần Hưng Đạo
(BDO) Có lẽ với những người làm báo, những chuyến đi công tác xa, dài ngày, dọc theo chiều dài của đất nước, nhất là các chuyến đi về với cội nguồn, lịch sử, những địa danh nổi tiếng... luôn để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên. Tôi cũng khá may mắn khi đã được trải nghiệm nhân chuyến đi thực hiện loạt ký sự về Điện Biên Phủ, được đến thăm khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo, nơi “phát tích” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đỉnh S Lam Cao, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quan sát để đánh trận đồn Phai Khắt. Ảnh: THÀNH SƠN
Nơi đầu nguồn cách mạng
Trong một hành trình gần 2 tháng rong ruổi từ mảnh đất Bình Dương năng động, phát triển đi đến khắp các địa danh tại nhiều tỉnh thành, tôi có dịp về thăm tỉnh Cao Bằng, nơi đầu nguồn cách mạng, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về chọn Pác pó để hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng. Cao Bằng còn có khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo, đồn Phai Khắt, Nà Ngần - những địa danh gắn liền với sự ra đời của ĐVNTTGPQ - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc, có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333km, vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc nên thuận lợi cho giao thông liên lạc; có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên… Địa thế Cao Bằng hiểm trở, ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa là địa bàn bọn thực dân Pháp khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “đông tiến” xuống Lạng Sơn, “nam tiến” xuống Thái Nguyên và “tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ” .
Chuyện ở rừng thiêng
Trong hành trình gần 2 tháng, sau khi từ Thanh Hóa, ngược dòng sông Mã để “tây tiến” lên Hòa Bình, Sơn La sang Điện Biên rồi lại rẽ sang Thái Nguyên “Thủ đô gió ngàn”, tôi được về thăm Cao Bằng - vùng đất địa đầu của Tổ quốc trong một niềm cảm xúc thiêng liêng. Từ bến xe TP.Cao Bằng, đoàn chúng tôi đi xe khách tới huyện Nguyên Bình để tìm đến khu rừng Trần Hưng Đạo. Trên chuyến xe này, thật ngẫu nhiên trong lúc trò chuyện, anh tài xế khi biết tôi là nhà báo, từ miền Nam đi xuyên Việt để thực hiện loạt bài đầy ý nghĩa về Bác Hồ, về Quân đội nhân dân Việt Nam, đã tỏ ra hồ hởi, nhiệt tình giúp đỡ. Ma Anh Tuấn - tên anh tài xế người dân tộc Tày, chạy xe tư chuyên tuyến, đưa ra một đề nghị khiến tôi rất cảm động, rằng đến thị trấn Nguyên Bình, do xe lớn không di chuyển được vào khu rừng, anh sẽ đưa đoàn về nhà anh nghỉ ngơi, rồi nghỉ chạy, lấy xe nhỏ chở đến tận khu rừng… Đồng bào dân tộc vùng cao vốn thật thà, nhiệt tình và dễ mến là vậy. Khi đó, trong tôi chợt có một sự mường tượng về những hình ảnh của hơn 70 năm về trước, khi bà con đồng bào dân tộc nơi đây luôn sẵn lòng nuôi nấng, đùm bọc những người làm cách mạng...
Di tích đồn Phai Khắt. Ảnh: THÀNH SƠN
Vượt qua đoạn đường dài quanh co, dốc lên, dốc xuống thăm thẳm, Ma Anh Tuấn đưa đoàn tôi đến rừng Trần Hưng Đạo, nơi “phát tích” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay trước khu rừng, giữa một khoảng đất bằng phẳng, Nhà nước đã xây dựng bức tượng đài, phù điêu chạm khắc hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giao nhiệm vụ cho 34 chiến sĩ rất đỗi trang trọng, oai nghiêm, khiến lòng ai cũng trào dâng xúc cảm tự hào. Rừng xưa, cảnh cũ còn đây và vẫn in bóng hình của Đại tướng cùng với 34 chiến sĩ thuở ban đầu ấy! Cách đây 74 năm về trước, chiều ngày 22-12-1944, tại khu rừng thiêng này, một buổi lễ tuy giản dị nhưng trang nghiêm đã được tổ chức để đánh dấu sự ra đời của quân đội nhân dân cách mạng, được Bác đặt tên là ĐVNTTGPQ gồm 34 đội viên. Tại khu rừng, đi sâu vào trong khoảng 200m, còn có nhà bia khắc lại chỉ thị của Bác Hồ về nhiệm vụ của ĐVNTTGPQ: “…Tên ĐVNTTGPQ, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự… Về chiến thuật vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, “lai vô ảnh, khứ vô tung”. ĐVNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác…”. Bên cạnh lời chỉ thị của Bác là bảng khắc tên 34 chiến sĩ của ĐVNTTGPQ.
Từ khu vực nhà bia, đi lên theo khoảng mấy ngàn bậc tam cấp được xây bằng gạch, sẽ đến với đỉnh S Lam Cao. Nơi đây, vào trung tuần tháng 12-1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quan sát trận địa đồn Phai Khắt, quyết định trận đánh mở màn đầu tiên của ĐVNTTGPQ. Trong buổi lễ thành lập ĐVNTTGPQ, Bác Hồ đã chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ, đồng bào và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội…”. Thi hành đúng chỉ thị của Bác, từ trên đỉnh S Lam Cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có kế hoạch tiêu diệt đồn Phai Khắt cách đó khoảng 8km, thuộc làng Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Và sau đó, vào 17 giờ ngày 25-12, tức chỉ 3 ngày sau khi thành lập, ĐVNTTGPQ đã tiến vào diệt đồn Phai Khắt; tiếp đến ngày 26-12 là tiêu diệt đồn Nà Ngần, tạo nên truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng... 74 năm - một chặng đường lịch sử hào hùng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bắt đầu từ đội quân 34 chiến sĩ ấy, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, làm nên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu và Đại thắng mùa xuân 1975... Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang từng bước chính quy hiện đại, sẵn sàng nhận và thực hiện mọi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
Hôm đoàn của tôi đến thăm rừng Trần Hưng Đạo, dù khu di tích nằm sâu trong rừng heo hút, đường khó đi, nhưng vẫn có rất đông du khách thăm viếng. Mấy chục em học sinh mặc áo trắng, quàng khăn đỏ quây quần bên tượng đài cha ông, nhờ đoàn của tôi chụp hình để lưu lại những khoảnh khắc đầy ý nghĩa thiêng liêng này. Trên chuyến xe khi về lại TP.Cao Bằng, tôi còn có dịp trò chuyện với một cô giáo trẻ cũng là người dân tộc Tày, tên Huệ. Huệ cho biết, nhà cô ở TP.Cao Bằng nhưng lại đi dạy học ở tít trong bản sâu dưới huyện Nguyên Bình, mỗi tháng chỉ về thăm nhà một lần. Huệ say sưa kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện mà cô được kể lại về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Cô bảo, lần sau nếu tôi trở lại, hãy liên lạc và cô sẽ sẵn sàng làm “hướng dẫn viên” trong tất cả các cuộc hành trình. Nghe Huệ nói, tôi lại nhớ đến lời đề nghị đầy chân thành của anh tài xế Ma Anh Tuấn trước đó và sự mường tượng về những hình ảnh bà con đồng bào dân tộc nơi đây nuôi nấng, đùm bọc cán bộ cách mạng. Hơn lúc nào hết, tôi đã hiểu sâu sắc về câu nói: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu...”.
Cách đây 74 năm, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ĐVNTTGPQ)- tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập. Trải qua 74 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc và nuôi dưỡng của nhân dân, đội quân chỉ từ 34 chiến sĩ ban đầu ấy đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, làm nên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu và Đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối...
THÀNH SƠN