Một gương thương binh làm kinh tế giỏi

Thứ ba, ngày 02/08/2011

Ông Nguyễn Văn Hương, một gương thương binh điển hình trong phong trào

sản xuất, kinh doanh giỏi tại xã Lạc An

 Sau hơn 2 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, năm 1988 ông Nguyễn Văn Hương trở về Lạc An lập nghiệp, khi chân trái bị mất 1/3 do dính mìn. Ông Hương kể, nỗi đau khi bị mất đi một phần cơ thể khiến ông trở nên trầm tư, mặc cảm và luôn tìm cách xa lánh mọi người. Cũng trong thời điểm đó, tình hình kinh tế trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, hàng ngày qua khe cửa sổ ông chứng kiến cảnh những người lành lặn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn. Gia đình đã khó khăn nay còn khó khăn hơn khi phải nuôi thêm một thương binh... khiến ông càng bi quan hơn. Sau đó, được sự quan tâm, động viên của các thành viên trong Hội CCB xã và sự đồng cảm của chú Tư Nhã (nguyên Chủ tịch Hội CCB xã Lạc An) đã giúp ông có thêm nghị lực sống. “Chú Tư Nhã đã động viên tôi rất nhiều, hướng tôi đi đúng con đường cần đi. Chú luôn khuyên nhủ tôi phải biết vượt qua khó khăn để sống tốt, đồng thời, phải nỗ lực hết mình để chứng tỏ mình là một thương binh “tàn nhưng không phế”, ông Hương nói.

Đến năm 1991, ông quyết định “làm lại” cuộc đời khi tham gia vào Hội CCB xã. Ngoài công tác hội, ông còn chống gậy đi khắp nơi bán vé số, phụ giúp gia đình. Năm 1992, ông lập gia đình và chuyển sang học may. Vợ làm nghề hớt tóc, chồng nhận may quần áo và bán vé số, sau nhiều năm tích cóp để dành, ông đã mua được 1 ha đất để ở và sản xuất nông nghiệp. Vừa làm hoa màu trên diện tích đất của nhà, vừa nhận may quần áo, có được đồng nào vợ chồng ông lại vay thêm tiền để mua đất. CCB Nguyễn Văn Hương chia sẻ: “Là người lính xuất ngũ trở về với hai bàn tay trắng, để thành đạt được như bây giờ tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Lúc đầu, để phát triển kinh tế gia đình, tôi đã chọn cách lấy ngắn nuôi dài, như trồng đậu, bắp, lúa, chăn nuôi heo, nuôi bò... Rồi từ đó dần dần đầu tư mua thêm đất, mở rộng sản xuất để trồng cao su, điều. Phải gần 10 năm mới có cây dài ngày và có thu nhập như bây giờ”. Nhờ khéo léo tính toán làm ăn nên mọi việc đều nhịp nhàng, trôi chảy. Đến nay, với diện tích 5 ha điều, 3 ha cao su, sau khi trừ hết mọi chi phí, gia đình ông đã tích lũy nguồn vốn lên đến 300 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, với vai trò là Chủ tịch Hội CCB xã, thời gian qua ông Hương còn vận động giúp đỡ nhiều CCB khó khăn và gia đình nghèo trong xã vươn lên ổn định cuộc sống. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi; cách sử dụng nguồn vốn vay; giới thiệu nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cho các hội viên và bà con trên địa bàn xã. Với đức tính siêng năng, chịu khó, cần cù lao động, biết vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu và sống có tình có nghĩa với mọi người, bởi vậy ông luôn được mọi người tin tưởng, mến phục.

“Do đã từng trải qua thời kỳ khó khăn, nên tôi thấu hiểu được nỗi khổ, sự khó khăn của những hoàn cảnh giống tôi lúc trước, đặc biệt là đối với những đồng đội, con cháu đồng đội của mình. Tôi thành đạt được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người. Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, bản thân mình có thể làm được gì cho xã hội, cho đồng đội, tôi sẽ luôn cố gắng hết sức”, ông Hương tâm sự.

THIÊN HUY