Một con đường dân sinh bị “tận thu” trái phép hàng trăm mét đất mặt: Cần có giải pháp khôi phục hiện trạng ban đầu

Thứ sáu, ngày 29/05/2020

(BDO) Lợi dụng được cơ quan chức năng cấp phép cải tạo mặt bằng và tận thu đất dôi dư tại một khu đất tại KP.Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, Công ty TNHH MTV Hai Thọ đã “tiện tay” múc hàng ngàn m3 đất đường dân sinh, chở đi bán. Khi UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực vi phạm tài nguyên khoáng sản thì doanh nghiệp này đổi tên, chuyển địa điểm và không chấp hành quyết định.


Con đường dân sinh dài hơn 500m bị Công ty Hai Thọ “tận thu đất mặt” giờ đây vẫn chưa được khôi phục, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại

Doanh nghiệp “hô biến” đường dân sinh

Theo hồ sơ, Công ty TNHH MTV Hai Thọ (gọi tắt là Công ty Hai Thọ), tọa lạc số nhà 50, tổ 2, KP.Khánh Long, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên do ông Tống Thanh Việc, SN 1975 làm giám đốc. Công ty Hai Thọ hoạt động ngành nghề kinh doanh buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng. Tháng 5-2014, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Hai Thọ cải tạo mặt bằng và tận thu đất dôi dư của nhiều thửa với hơn 50.000m2 đất tại KP.Bình Phước B, phường Bình Chuẩn. Trong quá trình thi công, xe cơ giới của Công ty Hai Thọ đã múc luôn đất của một con đường dân sinh chạy qua khu đất này chở đi bán.

Vào năm 2016, người dân địa phương đã phản ánh sự việc đến chính quyền sở tại. Chính quyền phường Bình Chuẩn đã làm báo cáo gửi đơn vị chức năng liên quan. Vào thời điểm đó, ngành chức năng của TX.Thuận An (nay là TP.Thuận An) tiến hành lập biên bản đề nghị Công ty Hai Thọ ngưng việc múc đất con đường chở đi bán nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục tận thu đất mặt đường dân sinh trái quy định.

Bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ KP.Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, cho biết: “Vào thời điểm năm 2015 đến cuối 2016, Công ty Hai Thọ đã múc nguyên tuyến đường dân sinh có chiều dài trên 500m, rộng gần 4m chở hàng chục ngàn m3 đất mặt đi bán. Vì không có đường để đi lại, chúng tôi đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Sau đó cán bộ chức năng đến lập biên bản xử lý nhưng công ty này vẫn tiếp tục múc đất trên đường. Hiện nay, diện tích đất được Công ty Hai Thọ “cải tạo mặt bằng” có độ sâu vượt mức quy định, con đường dân sinh đã biến mất, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân”.

Ông Tôn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, cho rằng: “Lợi dụng việc được cấp phép cải tạo mặt bằng, Công ty Hai Thọ đã thực hiện hành vi “trộm cắp tài nguyên đất”. Hiện nay, con đường có chiều dài trên 500m đã bị Công ty Hai Thọ múc đất mặt đem đi bán, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân địa phương liên tục phản ánh và đề nghị chính quyền địa phương, ngành chức năng buộc Công ty Hai Thọ phải trả lại nguyên trạng tuyến đường. Chúng tôi đã làm văn bản kiến nghị đến các cấp, các ngành vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Kiên quyết xử lý

Trước sự việc Công ty Hai Thọ vi phạm trên vĩnh vực khai thác nguồn tài nguyên đất, thời gian qua, chính quyền địa phương, ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc xử lý. Dựa trên các hồ sơ pháp lý của các đơn vị chức năng tham mưu, ngày 8-8-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2131/ QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hai Thọ. Theo quyết định này, Công ty Hai Thọ đã khai thác khoáng sản vượt quá phạm vi, ranh giới, độ sâu được phép khai thác đến 0,7m đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Thời điểm vi phạm vào ngày 16-9-2016. Hành vi trên đã vi phạm Điểm b Khoản 3 Điều 36 và Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 33/2017/NĐ- CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Khung hình phạt tiền đối với tổ chức từ 10 đến 20 triệu đồng.

Công ty bị áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, như: Hình thức xử phạt 15 triệu đồng. Biện pháp khắc phục buộc Công ty Hai Thọ san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài vi phạm được phép khai thác về trạng thái an toàn. Công ty Hai Thọ phải san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường và thiết lập lại con đường để phục vụ việc đi lại của người dân. Phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền nộp phạt gần 754 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh, do Công ty Hai Thọ đã khai thác vượt khối lượng cho phép gần 38.000m3 đất san lấp theo quy định cấp phép, như vậy tổng mức tiền phạt cho hành vi vi phạm trên và số tiền thu lợi bất hợp pháp mà Công ty Hai Thọ phải nộp gần 769 triệu đồng. Tuy nhiên, để né tránh quyết định xử phạt và khắc phục hậu quả, Công ty Hai Thọ đã “khai sinh” công ty mới, thay đổi địa điểm kinh doanh, từ đó gây khó khăn cho đơn vị chức năng buộc công ty thực hiện theo quyết định chấp hành nộp phạt của UBND tỉnh Bình Dương. Với hàng loạt “chiêu thức” như đã nói trên của Công ty Hai Thọ, xem ra việc yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu con đường dân sinh dài 500m vẫn còn tiếp tục được quan tâm!

Trong văn bản Báo cáo số 350/BC-TNMT của Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Thuận An ngày 5-7-2018, nêu rõ: Qua xác minh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH MTV Hai Thọ đã chuyển đổi loại hình hoạt động, đổi tên thành Công ty TNHH Dương Bình Dương, chuyển địa điểm về đường Lê Lai, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một; thay đổi đại diện theo pháp luật từ ông Tống Thanh Việc sang bà Nguyễn Ngọc Dung. Theo hồ sơ, hiện ông Tống Thanh Việc chỉ là thành viên góp vốn trong Công ty TNHH Dương Bình Dương.

Ngoài ra, qua xác minh tại phần mềm quản lý thuế tại Chi cục Thuế, cơ quan chức năng xác định, Công ty Hai Thọ đã thông báo ngưng hoạt động từ ngày 5-8-2014 và công ty không đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng. Đồng thời, qua xác minh tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương, Công ty Hai Thọ và cá nhân ông Tống Thanh Việc không sở hữu tài sản về đất đai. Trên cơ sở này, Phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Thuận An không tham mưu đơn vị chức năng thực hiện biện pháp cưỡng chế số tiền phạt qua tài khoản ngân hàng và khấu trừ bằng tài sản đối với Công ty Hai Thọ.

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Đến nay, Công ty Hai Thọ chưa đóng khoản tiền nộp phạt gần 769 triệu đồng theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh. Nguyên nhân do Công ty Hai Thọ không có tài sản trong ngân hàng. Từ đó đã gây khó khăn cho chúng tôi trong công tác xử lý”.

 THANH QUANG - NGUYỄN HẬU