Một cán bộ trẻ lập nhiều thành tích về môi trường

Thứ năm, ngày 05/02/2015

Quê ở Quảng Trị, sau những năm miệt mài đèn sách tại TP.Hồ Chí Minh, tháng 2-1999, chị Nguyễn Trình Cao Sơn đầu quân về Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Bình Dương, được tổ chức phân công làm chuyên viên Phòng Quản lý môi trường. Với bản tính năng động, sáng tạo, hơn 10 năm vào nghề, chị được bổ nhiệm làm Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ đó đến nay, năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

(BDO)

 Chị Nguyễn Trình Cao Sơn cùng với tập thể cán bộ, công chức Chi cục BVMT nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2013 do ông Huỳnh Văn Nhị (bìa trái) Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thời điểm năm 2013) thừa ủy nhiệm Thủ tướng Chính phủ trao tặng

Năng động, sáng tạo

Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn, thế nhưng khi trao đổi công việc, mới thấy chị là một cán bộ nữ, trẻ rất năng động. Mặc dù quản lý môi trường là một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm nhưng với cương vị là Phó Chi cục trưởng, chị đã chủ động đề xuất, tham mưu thực hiện và trình UBND tỉnh ban hành hơn 7 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, nhằm thể chế hóa một số quy định cụ thể của các văn bản Trung ương trong điều kiện của địa phương, góp phần tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về BVMT. Không chỉ vậy, trong truyền thông, chị đã chủ động phối hợp, đa dạng các nội dung và hình thức tuyên truyền, làm sao cho các hoạt động truyền thông môi trường có hiệu ứng xã hội cao, lôi cuốn đông đảo cộng đồng tham gia. Việc tuy nhỏ nhưng niềm vui quả là lớn lao, bởi kinh nghiệm đó được tỉnh bạn sẻ chia và học tập, như tổ chức ngày hội Bình Dương xanh, Phiên chợ tái chế sử dụng; Đổi chất thải lấy quà tặng và Đi bộ đồng hành vì môi trường... cùng với hơn 150 lớp tập huấn về BVMT cho đội ngũ tuyên truyền viên của các hội, đoàn thể, các giáo viên, các cán bộ Ủy ban MTTQVN xã, phường và các doanh nghiệp...

Một trong những dấu ấn mà chị cho rằng đây là bước khởi đầu rất quan trọng để cộng đồng và công chúng tham gia công tác BVMT, đó là chị cùng anh chị em ở chi cục chủ động tham mưu cho sở ký kết các Nghị quyết liên tịch giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các hội, đoàn thể về BVMT. Sau khi ký kết, đáng trân trọng nhất là Ủy ban MTTQVN các cấp đã đưa tiêu chí BVMT trở thành một trong những điều kiện để công nhận gia đình, khu, ấp văn hóa. Hơn thế nữa là thực hiện thành công mô hình Tổ tự quản về BVMT ngoài mong đợi. Từ 1 tổ tự quản, đến nay, toàn tỉnh đã có 23 tổ tự quản về BVMT. Các Đội thanh niên xung kích về BVMT tại các huyện, thị, thành phố cũng đã và đang được nhân rộng đến các xã, phường, thị trấn.

Gắn niềm vui với công việc

Đứng trước tốc độ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế công nghiệp, Bình Dương luôn tính toán làm tốt công tác BVMT. Chính vì thế, với mục tiêu tiến tới phòng ngừa ô nhiễm môi trường, chị luôn quan tâm chỉ đạo và không ngừng cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quảtrong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định chuyên ngành về môi trường đối với các dự án đầu tư, công nghệ xử lý môi trường của các dự án. Chỉ trong 5 năm, chị đã tham mưu tổ chức thẩm định hơn 740 báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT và hơn 800 dự án đầu tư. Đặc biệt trong năm 2013, chị đã tổ chức thẩm định 142 báo cáo đánh giá tác động môi trường, tăng 32,2% so với năm 2012; tổ chức khảo sát địa điểm đầu tư và tham gia ý kiến chuyên ngành cho 464 dự án, tăng 129,7% so với năm 2012. Ngoài ra, chị còn đề xuất, tham mưu tổ chức biên soạn tài liệu “Hướng dẫn thực hiện tham vấn cộng đồng trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường” để tập huấn, hướng dẫn chi tiết theo cách thức cầm tay chỉ việc cho UBND cấp xã và ban hành “Hướng dẫn kỹ thuật về công trình, biện pháp BVMT”...

Trong kiểm soát ô nhiễm, chị đã tham gia điều hành và kiểm tra trên 300 doanh nghiệp, đồng thời phát hiện và chấn chỉnh nhiều trường hợp vi phạm trong công tác BVMT, góp phần tham mưu kiểm soát tốt các nguồn thải công nghiệp. Từ đó, trong số 24 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì có 23 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chiếm tỷ lệ 96%.

Vừa trao đổi với chị qua bản thành tích, vừa nhìn vào hàng loạt công việc liên quan đến lĩnh vực quản lý môi trường, chúng tôi cảm thấy nể phục tinh thần làm việc hăng say của một cán bộ trẻ đầy năng động. Từ năm 2008- 2013, với vai trò là điều phối viên của dự án Quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam của tỉnh Bình Dương (phối hợp giữa Việt Nam và Canada), chị cũng đã tham mưu sở trình UBND tỉnh phê duyệt thành lập Ban Quản lý dự án, đồng thời đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động trong khuôn khổ dự án, làm nền tảng thực hiện công tác quản lý môi trường trên địa bàn, như Dự án trình diễn về quản lý ô nhiễm lưu vực Suối Bưng Cù; Kế hoạch phòng ngừa, ứng cứu sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch quản lý thông tin trong khuôn khổ Dự án kế hoạch truyền thông và nâng cao nhận thức BVMT giai đoạn 2011- 2015... Từng dự án mang lại kết quả thành công ngoài mong đợi. Một lần nữa, Bình Dương được các tỉnh, thành chọn nơi tham quan, học tập kinh nghiệm...

Không thể kể hết những gì mà chị đã làm được, chỉ biết rằng, 10 năm không dài mà chị có một bề dày thành tích đáng trân trọng. Ngoài chuyên môn, trong công tác xây dựng Đảng, chị còn là Phó Bí thư Chi bộ 1 trực thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhiều năm liền, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được chọn điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tất cả những thành tích ấy đã đáp lại, nhiều năm liền, chị nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vinh dự hơn nữa là mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành tài nguyên và môi trường, chị Nguyễn Trình Cao Sơn được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Niềm vui của chị Sơn đã thực sự nhân lên gấp bội.

 

 M.H