Mong nhạc trẻ bớt những ca từ dễ dãi

Thứ hai, ngày 31/01/2011

Những ngày cuối năm, trò chuyện với nhạc sĩ (NS)Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương và NS.Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng Biên tập phát thanh Đài PT-TH Bình Dương, nghe các anh có những nhận xét thú vị về dòng nhạc trẻ hiện nay. Đây cũng là 2 NS hoạt động rất tích cực trong CLB sáng tác ca khúc tỉnh Bình Dương.

Trước hết, xin anh Điền có thể cho biết một vài nhận xét về nhạc trẻ hiện nay?

   NS Võ Đông ĐiềnNS Võ Đông Điền: Trong giai đoạn hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay, cùng với việc mở cửa đón nhận những luồng văn hoá của nước ngoài, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hoá của nước ngoài, cũng cuốn theo những “luồng gió độc” ảnh hưởng từ sự hội nhập, tình hình sáng tác và biểu diễn âm nhạc có phần phức tạp hơn trước. Tôi có cảm giác bây giờ NS viết ca khúc dễ dãi quá. Với phần mềm sáng tác có sẵn, có người dễ dàng “sáng tác” mỗi đêm 5-6 bài hát và dễ dàng nổi tiếng qua công nghệ lăng-xê. Tôi không có ý chê trách tất cả các NS trẻ hiện nay, có người được đào tạo một cách bài bản và đã có những sáng tác có chất lượng tốt, nhưng cũng có những tác giả khi sáng tác ca khúc đã quá dễ dãi trong việc sử dụng ca từ, thể hiện sự dung tục, “chối tai”, khiến công chúng yêu nhạc không thể chấp nhận được.

Có thể ví dụ như ngay cả cách đặt tựa đề cho một ca khúc cũng không được ổn: Bản lĩnh đàn ông thời nay; Người đàn ông tham lam; Người ấy và con cha phải chọn; Kiếp đàn bà thân xác đàn ông… Còn tựa đề cho ca khúc viết về tình yêu thì: Tình một đêm; Không còn gì để mất; Một lần nữa tôi bị lừa; O.K, như vậy đi… Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe các bạn trẻ hát nghêu ngao những ca từ như: “Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người… Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa… Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao?...”; “ Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ… Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi… Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi”… Tôi không hiểu nổi những lời “nói cho vui” này lại là ca khúc “thịnh hành”- Ít ra là ở các khu dân cư, các khu nhà trọ, quán cà phê nhạc bình dân… ta thường nghe các băng đĩa mở ra rả suốt ngày. Những ca từ hời hợt, buông thả như thế sao người ta lại vô tư viết ra và vô tư được phổ biến một cách tràn lan?! Mong cho những ca khúc bớt những lời dễ dãi như thế!

Ca khúc mới hiện nay, phần lớn do những NS không tên tuổi viết và dành cho ca sĩ (CS) cũng… không tên tuổi hát, các anh thấy đúng không?

NS Võ Đông Điền: Theo tôi, một số NS có tên tuổi không muốn cuốn theo dòng nhạc thị trường. Với họ, sáng tác nhạc là để mang đến cho đời những ca khúc có chiều sâu của tâm hồn, viết bằng những rung cảm thực sự với cuộc sống, nên họ vẫn viết và đợi đến một thời điểm thích hợp mới giới thiệu đến khán giả đó thôi… Đúng là các ca khúc mới hiện nay ta nghe, phần lớn là do những NS trẻ, chưa khẳng định được tên tuổi của mình viết ra. Khó có thể nói chuyện định hướng này nọ khi các trung tâm băng đĩa nhạc, các đơn vị tổ chức biểu diễn lo chạy theo thị hiếu của khán giả trẻ tuổi để kinh doanh, thu lợi nhuận về cho mình càng nhiều càng tốt. Nếu không vi phạm Luật Xuất bản thì cơ quan quản lý cũng không thể cấm đoán ai được. Việc xã hội hóa truyền thông gần đây phát triển rầm rộ. Thế là những công ty này tha hồ vùng vẫy bằng những chương trình âm nhạc, game show theo kiểu  “thu lợi nhanh” (qua dịch vụ nhắn tin đến tổng đài, quảng cáo . . .) thì cũng khó đòi hỏi có được những chương trình ca nhạc mang tính nghệ thuật một cách nghiêm túc.

  NS Lê Trung HiếuNS Lê Trung Hiếu: Cũng theo tôi được biết, một số NS trẻ sáng tác rất sung sức cho dòng nhạc thị trường này và họ có rất nhiều đơn đặt hàng để viết. Nhạc nhẹ bây giờ theo cơ chế thị trường. Ai có vốn mạnh, người đó có điều kiện để phát hành. Đây cũng là điều làm cho những bạn trẻ bây giờ “dựa vào” để đánh bóng tên tuổi. Tôi nhớ NS Trương Quang Lục có nhận xét về bài “Bà xã tôi number one” giá có lời “đẹp” một chút thì hay quá. Bởi, tiết tấu, giai điệu trẻ trung, dễ đi vào lòng người nhưng lời thì… Đây cũng là lỗi chung của những NS trẻ bởi họ quá ít khi chịu trau chuốt lời ca khúc của mình.

Nhiều CS không cần phải qua trường lớp nào nhưng có ngoại hình, học vũ đạo là “vô tư” biểu diễn và nhờ những công nghệ lăng xê đưa tên tuổi mình lên. Thế nên người nghe nhạc bây giờ thấy toàn những đĩa nhạc của những CS “lạ hoắc” và tên tuổi nhiều NS mình cũng chưa hề nghe nhắc đến.

Về những giải thưởng âm nhạc gần đây thì sao, thưa các anh?

NS Lê Trung Hiếu: Nhân tiện nói về giải thưởng, tôi nói trước để khen anh Điền một câu nhé. Năm 1999, giải Làn sóng xanh sống rất lâu trong lòng công chúng yêu nhạc. Cũng có thể, ngày đó có quá ít chương trình âm nhạc, có quá ít giải thưởng này nọ nên mọi người nhớ nhiều. Ví như nhạc phẩm “Tiếng hát chim đa đa” của NS Võ Đông Điền do Quang Linh thể hiện “sống” rất lâu và sáng cuối tuần nào, tôi mở đài phát thanh cũng nghe những lời thật ngọt ngào: “Ngày nào em tuổi mười lăm/ em hay nghe tôi ngồi đánh đàn/ tiếng đàn là nỗi nhớ mênh mang…”. Bây giờ giải thưởng nhiều quá nên nhàm chán. Hầu như giải nào cũng na ná như nhau cả với hình thức nhắn tin bình chọn này nọ. Tóm lại là những sân chơi âm nhạc quá quen thuộc. Theo tôi, cần thay đổi cách thực hiện chương trình mới thu hút được người xem, nghe nhạc.

NS Võ Đông Điền: Là NS nhưng gần đây tôi ít quan tâm đến các giải thưởng. Theo tôi, muốn thực hiện những giải thưởng cho nghiêm túc thì cần phải đầu tư thật kỹ, có chiều sâu và phải được mọi tầng lớp công chúng hưởng ứng thì kết quả bình chọn cũng sẽ mang tính khách quan và thực chất hơn. Trong các giải thưởng Âm nhạc hiện nay, tôi có cảm giác là ca sĩ nào có số lượng “fan” nhiều hơn thì ca sĩ ấy sẽ thắng, và tất nhiên là ca khúc mà ca sĩ ấy thể hiện cũng được “ăn theo”.

QUỲNH NHƯ ( thực hiện)

NS Võ Đông Điền và NS Lê Trung Hiếu cũng là 2 thành viên tích cực của Câu lạc bộ (CLB) sáng tác ca khúc của tỉnh trong 10 năm qua. Năm 2010, CLB đã sáng tác hơn 60 ca khúc mới về chủ đề Đất và Người Bình Dương, hơn 40 ca khúc trong số này đã được Phòng Ca nhạc FM, Hãng phim Truyền hình Bình Dương và Đoàn ca múa nhạc Dân tộc của tỉnh dàn dựng và biểu diễn. Những ca khúc có chất lượng tốt đã được Hội tổ chức biên tập và thực hiện thành 1 DVD với chủ đề Giai điệu Thành phố trẻ, đã được phát hành trong năm 2010.

Nhìn chung, Âm nhạc Bình Dương trong năm qua đã hoạt động một cách hiệu quả, dù chưa có được những tác phẩm nổi bật trên phạm vi cả nước, nhưng các nhạc sĩ Bình Dương đã không ngừng sáng tạo nên những ca khúc mới về Đất và Người Bình Dương, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng địa phương. Âm nhạc Bình Dương vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những tác động của dòng âm nhạc thị trường đang bị dư luận phê phán.