Mong chờ Bảo vật Quốc gia thứ 3 cho Bình Dương
(BDO) Hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia (BVQG) “Bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh” đã được UBND tỉnh thông qua (ngày 15-8) và gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trình Thủ tướng công nhận. Như vậy, nếu được công nhận trong đợt này (đợt 8), Bình Dương sẽ có BVQG thứ 3.
Cán bộ ngành văn hóa kiểm tra, thẩm định các hiện vật “Bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh” để đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia
Hoàn tất hồ sơ đề nghị
Theo tài liệu từ hồ sơ đề nghị công nhận BVQG cho “Bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh” ghi rõ: Khu di tích Phú Chánh được phát hiện từ năm 1995, số lượng trống đồng Phú Chánh được phát hiện qua các năm là 3 chiếc (1995, 1998 và 1999). Trước các phát hiện trống đồng liên tiếp tại Phú Chánh, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL đã cấp phép cho Sở VH-TT&DL tỉnh phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học tiến hành khai quật di tích Phú Chánh vào tháng 11-2000. Kết quả khai quật đã phát hiện thêm 1 trống đồng và 3 chum gỗ cùng rất nhiều di vật có giá trị khác, trong đó có dụng cụ dệt bằng gỗ. Báo cáo kết quả khai quật địa điểm khảo cổ Phú Chánh (Bình Dương) đã được tổ chức trọng thể tại UBND tỉnh Bình Dương vào tháng 6 năm 2001.
Tính đến nay, các thủ tục đề nghị công nhận BVQG cho “Bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh” đã được các đơn vị hữu quan chuẩn bị hoàn tất. Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH 10 ngày 29-6-2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH 12 ngày 18-6-2009 cùng một số nghị định, thông tư, quyết định liên quan, Sở VH-TT&DL đã làm tờ trình về việc lập thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận BVQG gửi UBND tỉnh. Sau khi thông qua hồ sơ, UBND tỉnh cũng đã có tờ trình gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận BVQG đối với “Bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh”. Bộ dụng cụ gồm 22 hiện vật hiện đang thuộc quyền quản lý, sở hữu của Bảo tàng tỉnh.
Giá trị của hiện vật
“Bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh” bằng chất liệu gỗ với 22 hiện vật có niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ I đầu Công nguyên. Hiện vật này được phát hiện tại di tích khảo cổ Phú Chánh (TX. Tân Uyên) trong đợt khai quật vào tháng 11-2000. Đây là dụng cụ dệt bằng gỗ độc đáo được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam, là những hiện vật có giá trị văn hóa góp phần thể hiện đời sống văn minh của cư dân cổ ở Phú Chánh, Bình Dương.
Bên cạnh các di vật như trống đồng, cọc gỗ, chum gỗ, di tích Phú Chánh có hàng loạt di vật gỗ khá lạ mà sau đó, qua một thời gian nghiên cứu, các nhà khảo cổ mới xác định đó là những dụng cụ có khả năng là công cụ dệt vải của cư dân Phú Chánh lúc bấy giờ. Theo ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ, các di vật được cho là công cụ dệt này hầu hết được phát hiện trong di tích mộ táng nằm rải rác trong các ngôi mộ. Điều đó chứng tỏ phần lớn các di vật này là vật tùy táng được chôn theo chủ nhân của nó sau khi họ qua đời. Việc chôn theo đồ vật cho người chết ngoài các vật dụng sinh hoạt thường ngày, dụng cụ làm nghề mà người chết khi còn sống đã làm cũng thường được chôn theo đối với các cư dân cổ xưa.
Về bộ hiện vật này, dao dệt có 2 hiện vật làm bằng loại gỗ cứng màu nâu đỏ, hình dáng thoạt nhìn giống thanh kiếm. Hiện vật 1 dài 70cm, rộng 6,5 - 7,5cm, dày 0,7cm. Hiện vật 2 dài 99cm, dày 1,35cm. Thân thon dần tạo một đầu hơi nhọn, một đầu khoét eo vào như một đốc cầm (tạm thời gọi là đốc). Đầu đốc tạo 3 mấu, phần đốc khoét thủng tạo 6 hình tam giác cân. Trục dệt có 3 hiện vật cũng làm bằng loại gỗ cứng màu nâu đỏ, hình dáng là một thanh gỗ hình chữ nhật hẹp và dài, hai đầu hai bên mỗi đầu đều tạo giống như 2 sừng hơi cong, mũi sừng ngã về 2 hướng nghịch chiều nhau. Hiện vật dài 70cm, rộng 8,0cm, dày 2,2cm. Sừng dài nhất 11,5cm, sừng ngắn nhất 8,0cm.
Thanh gỗ có nấc (nhóm di vật này chưa xác định công dụng cụ thể) có 17 hiện vật. Các di vật có cùng đặc điểm chung về cấu tạo hình dáng nhưng khác nhau về kích thước. Hiện vật dài nhất là 37,5cm; ngắn nhất là 20cm. Nấc cao nhất là 3,8cm; thấp nhất là 2,2cm. Về hình dáng, các di vật gần giống các cây lược dùng để chải, một mặt phẳng (tạm gọi là mặt lưng) mặt bên tạo thành các nấc nhọn. Hầu hết những cây có nhiều nấc thường cách đều nhau và các nấc có cùng độ cao. Mũi các nấc được chuốt nhọn hoặc vát nhọn ở một mặt. Loại hình công cụ này được chế tác rất công phu, các vết đẽo gọt rất sắc nét và gọn… Các hiện vật được cho là dụng cụ xe sợi, dệt vải phát hiện tại di tích khảo cổ Phú Chánh. Theo ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, lãnh đạo rất quan tâm và chỉ đạo sâu sát các phần việc từ chuyên môn đến thủ tục hành chính, hoàn chỉnh văn bản để đề nghị công nhận BVQG thứ 3 của Bình Dương cho “Bộ dụng cụ dệt tùy táng Phú Chánh”.
Dụng cụ dệt bằng gỗ độc đáo được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. Việc sử dụng dụng cụ dệt vào đầu Công nguyên tại Phú Chánh là tư liệu khảo cổ rất mới trong các nghiên cứu về sinh hoạt, sản xuất của các cộng đồng cư dân cổ trên địa bàn Đông Nam bộ, cho thấy sự tiến bộ về kỹ thuật của cư dân cổ, góp phần đem lại những nhận thức mới về đời sống của cộng đồng cư dân cổ vùng đất này cũng như trên địa bàn rộng hơn ở Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển lên đến đỉnh cao văn minh vào đầu Công nguyên.
Có thêm một BVQG là điều đáng quan tâm, ghi nhận từ đó gợi mở thêm nhiều điều thú vị về việc tìm hiểu nguồn gốc các cộng đồng dân cư cổ Bình Dương, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa là BVQG cần được gìn giữ, bảo tồn.
QUỲNH NHƯ