Món quà và sự tri ân

Thứ sáu, ngày 13/11/2015

20-11 cận kề, một lần nữa xã hội lại có dịp tôn vinh người thầy, những người đã đưa biết bao thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức. Dịp này, có nhiều hình thức để tri ân thầy cô, nhưng phổ biến nhất là tặng hoa, quà. Một món quà sẽ thay lời học sinh muốn nói để tỏ lòng biết ơn người thầy đã dìu dắt các em nên người.

(BDO)

 Thông thường mọi người thường sử dụng hình thức tặng quà để thể hiện sự tri ân. Một món quà dù lớn hay nhỏ ắt sẽ đem đến niềm vui cho người nhận hoặc để lại cho họ những kỷ niệm khó quên. Đối với các nhà giáo, dịp 20-11, thầy cô nhận nhiều hoa, quà từ phía học sinh, phụ huynh học sinh. Ngày nay khi cuộc sống sung túc hơn, mọi người quan tâm hơn đến các mối quan hệ xã hội và hình thức tri ân thầy cô cũng được phụ huynh, học sinh “đầu tư” hơn nên món quà vì thế cũng đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những biểu hiện lệch lạc làm ảnh hưởng đến ý nghĩa vốn cao đẹp của ngày 20-11. Đó là những quan niệm quà càng “nặng ký” thì thầy cô sẽ quan tâm hoặc “chiếu cố” đến người tặng nhiều hơn. Đáng quan tâm hơn, ý nghĩa ngày tri ân thầy cô đã bị “vật chất” hóa khi những món quà là những “phong bì” để xin xỏ, gửi gắm cùng nhiều những biểu hiện tế nhị, khó nói khác.

Để Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thật sự ý nghĩa, Sở Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị, trường học không huy động tiền của học sinh, phụ huynh học sinh để tổ chức 20-11. Các đơn vị tổ chức họp mặt truyền thống với không khí trang trọng, vui tươi, tiết kiệm và ý nghĩa. Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa nhân văn của ngày 20-11 để nhân dân, chính quyền địa phương và học sinh hiểu rõ, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Dịp này, Sở Giáo dục-Đào tạo phát động đợt thi đua chào mừng ngày 20-11 với các phong trào: dạy tốt, học tốt; hội thi văn nghệ, thể thao, viết báo tường; vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh… gắn với khẩu hiệu hành động của ngành trong từng đơn vị, trường học dưới các hình thức phong phú và phù hợp.

Tri ân người thầy không phải một ngày hay một tháng, mà cần được thể hiện xuyên suốt cả năm. Với người thầy, niềm hạnh phúc lớn nhất là khi thấy học sinh trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Những món quà tuy có ý nghĩa về vật chất nhưng vẫn không thể đánh đổi được tình cảm của tình thầy trò. Với học sinh, ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy cô, các em hãy nỗ lực học tập, rèn luyện, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi. Tại các trường học, trong tháng 11 nhà trường phát động nhiều phong trào thi đua như: hoa điểm 10, phong trào học tốt, thi viết báo tường, viết cảm nhận về người thầy… đây chính là món quà ý nghĩa, thiết thực nhất dâng tặng thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).

 VĂN HIỆP