Moldova đang lún sâu vào khủng hoảng chính trị

Thứ sáu, ngày 01/03/2013

 Thủ tướng Vlad Filat.  Tổng thống Moldova, ông Nikolai Timofti, đã lên tiếng phản đối việc giải tán Chính phủ của Thủ tướng Vlad Filat và kêu gọi các thủ lĩnh "Liên minh vì liên kết châu Âu" (AEI) cầm quyền tiến hành đàm phán tìm giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tuyên bố trên đây đã được Tổng thống Timofti đưa ra tại thủ đô Kishinev tối 28-2. Nhà lãnh đạo quốc gia Moldova cho rằng nếu Chính phủ của Thủ tướng Filat sụp đổ thì nước ông sẽ buộc phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, điều này sẽ khiến tình hình chính trị trong nước càng thêm bất ổn và ảnh hưởng đến chủ trương liên kết với Liên minh châu Âu (EU) của Moldova.

Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Cộng sản Moldova (CPM) đối lập, cựu Tổng thống nước này, ông Vladimir Voronin khẳng định CPM trước sau như một yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Filat phải từ chức để tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Ông Voronin tuyên bố AEI sụp đổ là điều không thể tránh khỏi vì liên minh cầm quyền này đã đẩy Moldova vào tình cảnh tham nhũng lan tràn, dân chúng nghèo khổ và đất nước bất ổn. Ông cho biết ngày 28-2, phái đại biểu CPM đã gửi yêu sách đòi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của Thủ tướng Filat và có khả năng giành đủ số phiếu quá bán (51/101) nhằm đạt được yêu sách của mình.

Moldova đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc sau khi Đảng Tự do-Dân chủ (LDPM) của Thủ tướng Filat tuyên bố rút khỏi AEI cách đây hơn một tuần, khiến liên minh cầm quyền gồm 3 chính đảng (LDPM, Đảng Dân chủ-DPM và Đảng Tự do-LPM) này sụp đổ.

Nhằm cứu vãn tình thế, Tổng thống Timofti đã đề nghị ông Filat đứng ra thành lập chính phủ mới, nhưng cả ba chính đảng khác có chân trong Quốc hội Moldova gồm CPM, DPM và LPM đều phản đối và kiên quyết đòi Thủ tướng Filat từ chức.

Trong Quốc hội 101 ghế của Moldova, CPM chiếm 34 ghế, LDPM giữ 31 ghế, 27 ghế thuộc về DPM-LPM và 9 ghế còn lại do các đại biểu độc lập nắm.

Theo TTXVN