Mỗi vụ hòa giải thành công, giảm chi ngân sách ít nhất 4,3 triệu đồng

Thứ ba, ngày 26/11/2019

(BDO)

Quang cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, trong phiên sáng 26/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Nhiều đại biểu phân tích, cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa sẽ giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước; không chỉ giảm áp lực cho ngành tòa án trong bối cảnh hiện nay, mà còn góp phần giảm mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, thúc đẩy đạo đức xã hội.

Mỗi vụ hòa giải thành giúp giảm chi ngân sách ít nhất 4,3 triệu đồng

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức thí điểm về tăng cường, đổi mới hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; qua đó đã thu được những kết quả tích cực; các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ khá cao.

Cho ý kiến về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá, kết quả thí điểm ở 16 tỉnh vừa qua đã khẳng định đây là cơ chế hiệu quả, tiết kiệm cho người dân và nhà nước.

Tỷ lệ hòa giải thành công đạt 78%,...; đặc biệt như tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương tỷ lệ hơn 90%.

Bên cạnh đó, phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa vừa giúp giảm chi phí cho người dân vừa tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

"Cụ thể, theo tính toán, mức chi ngân sách cho 1 phiên tòa sơ thẩm ít nhất 5,5 triệu đồng, trong khi mức chi cho hòa giải chỉ là 1,2 triệu đồng - tức là thấp hơn 4,3 triệu đồng. Việc thí điểm thời gian qua đã triển khai hòa giải thành công gần 40.000 vụ.

Chúng tôi nói thêm là mức chi 5,5 triệu đồng cho 1 phiên tòa sơ thẩm mới là tiền công, tiền lương cho cán bộ tư pháp, còn nếu tính mức chi cho 1 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, hay thi hành án,... sẽ tiết kiệm được mức chi rất lớn," đại biểu phân tích, đồng thời ủng hộ phương án chưa thu phí người dân khi hòa giải tại tòa.

Đại biểu cũng nêu lên một số kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, nhiều nước để khuyến khích người dân hòa giải, đối thoại tại tòa, không thu phí hòa giải. Có nước thu phí thấp hơn nhiều so với án xét xử tại tòa.

Như Hàn Quốc chỉ thu phí hòa giải bằng 1/5 so với án phí. Từ năm 2013 Quốc hội nước này đã sửa quy định, chỉ thu bằng 1/10 án phí đối với các bên tham gia hòa giải. Hay như Singapore là một nước phát triển hình thức hòa giải tại tòa, có quy định không thu phí hòa giải đối với nhiều vụ việc...

Quy định về kinh phí hòa giải, đối thoại tại tòa án (tại Điều 6 dự thảo Luật) cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án; chưa quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Lý do được đưa ra là việc các tranh chấp, khiếu kiện được giải quyết thông qua hòa giải, đối thoại, vụ việc không phải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của các luật tố tụng, kết quả giải quyết được các bên tự nguyện thi hành sẽ tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Luồng quan điểm thứ hai đồng tình về việc cần có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện; tuy nhiên cũng cần quy định thu một khoản phí đối với một số trường hợp cụ thể với mức thu hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước.

Luồng quan điểm này cho rằng cần quy định thu phí đối với các trường hợp: pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Tòa án Nhân dân Tối cao đồng tình với quan điểm thứ nhất và thể hiện quy định về kinh phí hòa giải, đối thoại như tại Điều 6 dự thảo Luật; không quy định về phí hòa giải, đối thoại trong dự thảo Luật.

Thẩm tra dự án Luật, một số ý kiến của thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án, tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định thu một khoản phí đối với 2 trường hợp: pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Hòa giải là phương thức thúc đẩy đạo đức xã hội

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, hòa giải, đối thoại tại tòa cần là bước đi ưu tiên trong cải cách tư pháp của Việt Nam trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy nêu một số tình hình về tai nạn giao thông. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

"Đối với các tranh chấp dân sự, công lý không chỉ là tuyên ai thắng, ai thua, mà còn cần các cơ chế để người dân hòa giải được với nhau, chúng tôi cho rằng với tâm lý của người Việt Nam là "vô phúc đáo tụng đình," không hòa giải được mới mang nhau ra tòa.

Do đó, hòa giải, đối thoại tại Tòa là bước đi ưu tiên trong cải cách tư pháp của Việt Nam trong thời gian tới.

Điều này phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam. Đây là phương thức tốt cho người dân, cho xã hội, tiết kiệm cho ngân sách," đại biểu nêu ý kiến.

Cũng đồng quan điểm trên, nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), ngoài quản lý xã hội bằng pháp luật thì cần quản lý bằng đạo đức, phong tục tập quán. Cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ thúc đẩy phương thức quản lý này.

"Quản lý xã hội bằng cách xử lý các tranh chấp trong xã hội bằng đạo đức, phong tục, tập quán có ý nghĩa rất quan trọng với người Việt Nam. Bởi lẽ người Việt Nam coi "100 cái lý không bằng 1 tý cái tình."

Việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại chính là việc áp dụng đạo đức, phong tục, tập quán bằng việc phân tích cái đúng, lẽ phải, cái được, cái mất và tự nguyện chấp hành các kết quả.

Với kinh nghiệm tôi đã từng tham gia hòa giải tại cơ sở, khi hòa giải thành, con người sẽ hiền hòa, nhân hậu và bao dung hơn, từ đó chắc chắn sẽ giảm các vụ án, tranh chấp trong thực tiễn xã hội," đại biểu cho ý kiến.

Bên cạnh đó, một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội cho nhiều ý kiến tại thảo luận như tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên.../.

Theo TTXVN

Từ khóa: