Môi trường quân đội: Nơi học tập, rèn luyện của tuổi trẻ
Nhằm nâng cao số lượng, chất lượng thí sinh (TS) là con em Bình Dương đăng ký thi tuyển vào các học viện, trường đại học, cao đẳng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần tạo nguồn cán bộ cho lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, những ngày gần đây, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tư vấn tuyển sinh quân sự trên địa bàn...
Các thành viên Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh tổ chức các trò chơi tại buổi tư vấn Ảnh: T.LIÊM
Tại Ban CHQS huyện Bến Cát, buổi tư vấn tuyển sinh quân sự năm 2014 do Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh tổ chức đã thu hút hơn 500 học sinh (HS) khối lớp 12 thuộc hai trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bến Cát. Không khí diễn ra khá sôi nổi, thân thiện thông qua nhiều ý kiến tư vấn trực tiếp xen lẫn các trò chơi giữa thành viên Ban Tuyển sinh đến HS. Từ đó, buổi tư vấn đã giúp HS dễ dàng tiếp cận những nội dung cần nắm trong mùa tuyển sinh này.
Em Nguyễn Thị Thu Hiền, lớp 12A1 trường THPT Bến Cát, cho biết buổi tư vấn tuyển sinh này đã định hướng cho HS rất nhiều. Riêng đối với các trường quân đội, mùa tuyển sinh năm nay cũng thực hiện tuyển sinh “ba chung” như các trường dân sự. Cụ thể, các trường quân đội đã đa dạng ngành nghề đào tạo, trong đó có hệ dân sự. Đặc biệt, các trường quân đội có rất nhiều ưu đãi cho những TS đăng ký thi và trúng tuyển học tập rèn luyện tại đây, như bảo đảm toàn bộ quân tư trang, ăn nghỉ, có phụ cấp và sau khi ra trường có việc làm ngay… Đáng quý hơn là thông qua buổi tư vấn còn giúp cho chúng em hiểu thêm về truyền thống quê hương, truyền thống quân đội, nhất là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lê Văn Trí, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh, cho biết với phương châm trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với HS, Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh đã giới thiệu, trình bày một số vấn đề cụ thể, như Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 03 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh quân sự năm 2014; Thông tư liên tịch số 13 giữa Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 175 về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ và những điều cần biết về tuyển sinh quân sự vào các trường quân đội. Đồng thời, Ban Tuyển sinh nêu rõ đối tượng, địa điểm tuyển sinh, các quyền lợi và nghĩa vụ của người học khi được học tập, rèn luyện trong các trường quân đội. Về tiêu chuẩn lý lịch chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi; về chính sách, các thủ tục, quy trình đăng ký dự thi, hồ sơ tuyển sinh, nhất là việc xác minh lý lịch, khám sức khỏe phải rõ ràng. Đợt thi, khối thi, đề thi, ngành nghề mà các học viện, trường đại học quân đội cũng được Ban Tuyển sinh trả lời trực tiếp và cụ thể đã tạo khí thế sôi nổi trong buổi tư vấn...
Vấn đề được HS quan tâm nhiều nhất là năm nay, các trường quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh “ba chung” với các trường dân sự theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT và sử dụng chung kết quả thi trong xét tuyển các nguyện vọng của TS vào các trường quân đội. Phải nói, năm 2014, các trường quân đội mở đào tạo khá đa dạng về ngành nghề, nhất là mở thêm đào tạo hệ dân sự khi tốt nghiệp ra trường như các sinh viên hệ dân sự. Nhờ đó, các buổi tuyên truyền tư vấn tuyển sinh quân sự thực sự đã góp phần định hướng không những cho các trường quân đội mà cho cả các trường dân sự.
Ngày nay, trước sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, việc chọn cho con em có được môi trường học tập, rèn luyện tốt và có công ăn việc làm sau khi ra trường, góp phần ổn định cuộc sống, đóng góp cho quê hương, có lẽ môi trường quân đội là nơi học tập, rèn luyện tốt nhất. Vì nơi đây, không chỉ chăm lo đầy đủ vật chất, tinh thần mà còn có phụ cấp hàng tháng để hỗ trợ cho việc học tập sinh hoạt của học sinh. Hơn thế nữa, sau khi ra trường, 100% học viên sẽ có việc làm phù hợp với mức lương từ 6 triệu đồng trở lên.
Năm 2014, có 21 học viện, trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc tuyển sinh đào tạo đa dạng các ngành nghề khác nhau. Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần có các Học viện Hậu cần, Phòng không- không quân, Hải quân, Biên phòng; trường Sĩ quan Lục quân 1, Lục quân 2, trường Đại học Chính trị, trường Sĩ quan Pháo binh, Công binh, Thông tin; Đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật có các Học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Y khoa, Khoa học quân sự, Học viện Phòng không - không quân, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự Vinhempich… trong đó tiêu biểu đào tạo văn bằng quốc gia do Bộ GD-ĐT phát hành, như cử nhân Anh, Nga, Pháp, Trung, bác sĩ, kỹ sư, diễn viên…
THANH LIÊM