Môi trường đầu tư thuận lợi, vốn đăng ký kinh doanh tăng cao

Thứ ba, ngày 21/11/2023

(BDO) Hơn 3/4 chặng đường của năm 2023 đã đi qua với nhiều tác động từ tình trạng suy thoái toàn cầu lên nền kinh tế Bình Dương, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, da giày… nhưng nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kết quả thu hút vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh vẫn khá tích cực.

 Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tối đa để duy trì hoạt động và phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy sữa Vinamilk Bình Dương với dây chuyền công nghệ hiện đại

 Chủ động tháo gỡ khó khăn

Theo thống kê từ Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng năm 2023, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trên 75.767 tỷ đồng, gồm: 5.766 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 43.155 tỷ đồng, tăng 3,6% về số lượng và tăng 21,9% về số vốn so với cùng kỳ; 1.417 DN điều chỉnh tăng 42.013 tỷ đồng, tăng 2,8% về số lượng nhưng giảm 12,9% về số vốn so với cùng kỳ. Trong đó, số DN thực hiện việc kê khai, đăng ký qua mạng điện tử đạt trên 99%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, sở đã xây dựng và triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký DN cũng như các thủ tục hành chính khác qua hệ thống mạng và trả kết quả qua đường bưu điện. Tính từ đầu năm đến 31-10, sở đã tiếp nhận 61.119 lượt hồ sơ đăng ký kinh doanh, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2022, với tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đạt 99,29%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng cao giúp cắt giảm nhiều chi phí cho DN, hiện tại các thủ tục hành chính về đăng ký qua mạng được miễn lệ phí đăng ký DN.

Để chủ động hơn nữa trong công tác nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng công nghệ thông tin, tích cực tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh đến các DN và người lao động gặp khó khăn trên trang thông tin điện tử của sở. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thành lập nhóm Zalo với cộng đồng DN, đến nay có gần 400 DN tham gia. Thông qua đó, sở đã tiếp nhận và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết được 183/189 phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN.

Mong muốn lớn nhất hiện nay của hầu hết các DN là Chính phủ, bộ ngành và địa phương có những giải pháp đột phá để tiếp tục hỗ trợ DN nhằm sớm đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Đặc biệt DN khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu… Trong hoàn cảnh nhiều thách thức, bất lợi, sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng càng trở nên cần thiết. Cùng với cả tỉnh, sự hỗ trợ, đồng hành của các sở, ngành, địa phương chính là điểm tựa vững chắc giúp DN giữ đà tăng trưởng.

Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư

Thời gian qua, Bình Dương đã nỗ lực trong việc cải thiện các chỉ số PCI, Par Index, PAPI… nhằm nâng cao cải cách thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường đầu tư tốt, thu hút nguồn vốn của DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, năm 2022 được coi là năm không mấy thành công của tỉnh trong cải cách hành chính khi các chỉ số liên quan đạt thứ hạng thấp, như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 36, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 35, Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Bộ chỉ số 766) đứng thứ 25 cả nước.

Năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Bình Dương xác định luôn là người bạn đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bứt phá vươn lên mạnh mẽ; xây dựng chính quyền phục vụ, lấy DN và người dân làm trung tâm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được tỉnh quan tâm hàng đầu.

Trước kết quả chưa đạt mong muốn như trên, từ đầu năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực, tăng cường chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân và DN; đẩy mạnh đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và nâng cao vai trò của các hiệp hội, DN trong việc xây dựng các chính sách như thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN, ban hành kế hoạch hỗ trợ DN vừa và nhỏ, kế hoạch cải thiện và nâng cao các chỉ số PCI, PAR INDEX, Bộ chỉ số 766…

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bình Dương phấn đấu tiếp tục trở thành điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, tỉnh tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh sửdụng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử trên tất cả các lĩnh vực nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN khi liên hệ công tác với các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết.

 NGỌC THANH