Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo

Thứ tư, ngày 21/11/2012

Giáo viên tích cực làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm

Tấm gương đạo đức

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” chính là sự cụ thể hóa từ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc tổ chức học tập và làm theo Bác được các đơn vị trường học phối hợp với công đoàn cơ sở triển khai linh hoạt đến từng cán bộ, giáo viên. Theo ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Công đoàn ngành, các cơ sở công đoàn triển khai các tư liệu về Bác hoặc kể các mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác trong các phiên họp hội đồng sư phạm; công đoàn giáo dục tỉnh tổ chức hội thi sáng tác chuyện nhà giáo tự kể; công đoàn giáo dục huyện, thị, thành phố, công đoàn cơ sở tổ chức thi hoặc tham gia thi kể chuyện về Bác, tổ chức học chuyên đề và viết thu hoạch; thi sưu tầm các tư liệu về Bác…

Từ các hình thức học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người thầy tự kiểm điểm lại bản thân mà tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đạo đức của người thầy chính là ứng xử sư phạm, tác phong mẫu mực trong giao tiếp, tâm huyết với nghề dạy học. Đề cập đến vấn đề này, cô Đào Thị Nghĩa, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Du (TPThủ Dầu Một) cho biết, người thầy có tâm trong sáng là tổ chức thi cử, kiểm tra nghiêm túc, công bằng trong thi cử, tận tâm với học sinh, tuyệt đối không để các em ngồi nhầm lớp.

Tự học và sáng tạo

Học tập là suốt đời, làm thầy càng phải học. Trong cuộc sống mỗi người phải tự hoàn thiện mình, mà cách tốt nhất là “học, học nữa, học mãi”. Thấm nhuần nguyên lý này, ngoài được đưa đi học, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã tích cực tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuẩn và trên chuẩn. Một giáo viên đã tâm sự, trong thời đại thông tin như vũ bão, học sinh ngày nay dễ dàng tiếp cận với các kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, các em có thể “bắt bí” thầy cô bất cứ lúc nào. Vì lẽ đó, học trên sách vở, có bằng cấp này nọ vẫn chưa đủ, người thầy cần am hiểu kiến thức tổng quát. Muốn như vậy bắt buộc thầy phải thường xuyên trau dồi nghiệp vụ chuyên môn để luôn biết những điều học sinh hỏi.

Chỉ tính trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 10.560 cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Dạy học là một nghệ thuật. Với người thầy có tâm đòi hỏi phải có sự đam mê, sáng tạo, tự làm mới kiến thức, tìm kiếm cái mới phù hợp và cách thức để phát huy sự sáng tạo của học sinh. Có những nhà giáo đã đưa những kiến thức ngoài xã hội vào bài giảng, giúp cho học sinh có sự liên hệ thực tế và nhớ bài lâu hơn. Thầy Nguyễn Chí Thuận, giáo viên trường THPT Dĩ An đã đưa kiến thức hiểu biết về Hoàng Sa, Trường Sa giảng dạy cho các em, từ đó học sinh hiểu rõ hơn về biển đảo quê hương và càng thêm tự hào về đất nước mình.

Sự sáng tạo của nhà giáo còn thể hiện qua phong trào viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm. Từ năm học 2007-2008 đến năm học 2011-2012 có 5.336 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp tỉnh được áp dụng trong giảng dạy và học tập. Những năm gần đây, sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A ngày càng nhiều, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề ở người thầy, góp phần đưa nền giáo dục tỉnh nhà đi lên.

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tích cực hưởng ứng. Qua cuộc vận động, các nhà giáo nâng cao ý thức trong giảng dạy, tận tụy với nghề, đồng thời góp phần quan trọng cho việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

 H.THÁI