Mỗi năm, hàng chục ngàn tỷ đồng bay theo khói thuốc!
Theo các chuyên gia phân tích, tại Việt Nam do thuế đánh vào thuốc lá thấp, nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện. Do đó, tăng thuế dẫn đến tăng giá bán chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá.
Để giảm số người hút thuốc lá, Bộ Tài chính đang đề xuất mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần tăng từ 65% mức hiện nay lên 75% vào năm 2015 và 85% vào năm 2018. Trong khi đó, Bộ Y tế và Văn phòng Phòng chống thuốc lá quốc gia Việt Nam lại đề xuất tăng theo lộ trình: Năm 2015 tăng từ 65% lên 105%, sau đó đến năm 2018 tăng từ 105% lên 145%. Tăng thuế để sức mua và tiêu thụ thuốc lá của người Việt Nam giảm đi. Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu quốc gia đề ra là tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ hơn 48% xuống còn 39%. Đây cũng là việc làm thiết thực để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2014 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng với chủ đề “Tăng thuế thuốc lá” và kêu gọi các nước thực hiện chương trình chính sách thuế và giá các sản phẩm thuốc lá như một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá.
Ở nước ta, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực hơn một năm (ngày 1-5-2013). Trước khi có luật này, cuối năm 2009, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông quốc gia về kiểm soát thuốc lá, nhằm kêu gọi thực hiện Quyết định 1315 ngày 21-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Và, từ ngày 1-1-2010, việc hút thuốc lá tại nơi công cộng bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thì hầu như việc bán và hút thuốc lá của người dân chưa có gì thay đổi. Tác hại do hút thuốc lá chắc ai cũng đã quá rõ, nhưng để hạn chế và bỏ được thuốc lá lại là điều không dễ dàng.
NHẬT HUY