Mỏi mòn chờ xăng dầu giảm giá
Lại thêm một lần nữa người tiêu dùng (NTD) trong nước phải thất vọng khi những người có trách nhiệm của Liên bộ Tài chính và Công Thương tuyên bố hiện tại chưa đủ cơ sở để điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Trong khi đó, giá dầu thô trên thế giới suốt thời gian dài liên tục giảm từ trên 100 USD/thùng xuống còn dao động khoảng 80 USD/thùng, thậm chí có lúc giảm còn 75 USD/thùng. Đối với xăng thành phẩm được các doanh nghiệp (DN) trong nước nhập chủ yếu từ thị trường Singapore trong 2 tuần qua cũng giảm đáng kể từ 15 - 20 USD/thùng. Theo lý giải của các DN đầu mối xăng dầu và những người có trách nhiệm quản lý giá của Bộ Tài chính thì để được điều chỉnh giá tăng hay giảm thì phải đợi đến 30 ngày sau khi lô hàng được nhập khẩu mới có cơ sở tính toán điều chỉnh. Theo dư luận và các chuyên gia thì cách điều hành này hiện tồn tại nhiều bất cập và thiếu tính minh bạch. Nếu cứ giữ cách điều hành giá xăng dầu theo “thời kỳ” mà không theo “thời điểm” giá cả biến động trên thế giới thì sẽ có rất nhiều yếu tố chi phối cản trở việc giảm giá bán lẻ. Nhiều NTD đặt câu hỏi, liệu cách điều hành giá của ngành chức năng có công bằng hay không khi giá xăng dầu trên thế giới tăng thì lập tức được điều chỉnh tăng ngay như đợt tăng giá vào ngày 29-3-2011 vừa qua; trong khi đó, giá xăng dầu trên thế giới giảm liên tục thì chần chừ viện dẫn nhiều lý do để kiềm giá. Do lợi ích cục bộ của một số DN nên quyền lợi của NTD bị xem thường, cứ thử nhẩm tính mỗi ngày cả nước ta tiêu thụ khoảng 37,5 triệu lít xăng dầu, nếu các DN cứ chầm chậm giảm giá dù chỉ một ngày thôi thì họ cũng có vài chục tỷ đồng tiền chênh lệch giá/ngày. Còn nhớ cách nay khoảng 1 tháng khi Petrolimex (đơn vị đầu mối xăng dầu lớn chiếm 60% thị phần cả nước) công khai bản cáo bạch lần đầu tiên phát hành cổ phần ra công chúng cho thấy, họ làm ăn có lãi liên tục trong 3 năm liền hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là năm 2008 lãi trên 913 tỷ đồng, nhưng cũng trong năm đó họ kêu kinh doanh lỗ và Nhà nước phải bù hàng trăm tỷ đồng. Rõ ràng, cách điều hành và tính toán giá bán xăng dầu của các DN hiện nay là không minh bạch. Hiện tại, có không ít chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội và nguyên là đại biểu Quốc hội - người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân nhân lên tiếng đề nghị nên tiến hành kiểm toán xăng dầu vì đây là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến đời sống dân cư, sản xuất - kinh doanh của toàn xã hội.
Giảm giá xăng dầu là cách kiềm chế giá cả thị trường ngày càng tăng như hiện nay, đồng thời giúp giữ được mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay không quá 17% như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Minh Dân