Mỏi mòn chờ hướng dẫn sản xuất điện mặt trời
(BDO) Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng là giải pháp để tiết kiệm tiền điện, giảm phát thải và đáp ứng tiêu chí xanh trong xuất khẩu, đồng thời cũng góp phần thực hiện mục tiêu net zero vào năm 2050. Thế nhưng, hơn 3 năm qua, kể từ khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực, đến nay các tổ chức, cá nhân vẫn phải mòn mỏi chờ cơ chế, hướng dẫn.
Các địa phương cũng có văn bản báo cáo, kiến nghị hướng dẫn quy trình, điều kiện, thủ tục lắp đặt điện mặt trời phục vụ sản xuất tại chỗ nhưng mỗi bộ, ngành lại hướng dẫn, yêu cầu một cách khác nhau khiến doanh nghiệp rất khó đáp ứng. Trước thực tế này, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản pháp luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm đồng bộ và thống nhất thực hiện trong cả nước.
Chính phủ đã giao Bộ Công thương trước ngày 31-5 phải trình dự thảo nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dự thảo vẫn đang chỉnh sửa theo hướng xây dựng cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển điện mặt trời và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Dự thảo nghị định có một số điểm mới so với các chính sách, quy định trước đây là nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng điện bao nhiêu thì sản xuất (lắp đặt) bấy nhiêu, sản xuất đủ dùng, nếu thiếu Nhà nước cấp bù. Không khuyến khích lắp đặt thừa công suất để phát lên hệ thống điện quốc gia (bán); dự án điện mặt trời không phát lên lưới không bị giới hạn công suất, nếu phát lên lưới sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.
KHẢI ANH