Mối lương duyên của người lính

Thứ tư, ngày 24/07/2013
Trong chiến tranh ác liệt, rất nhiều mối tình đã đi vào sử sách, tạo nên những huyền thoại bất tử về tình yêu của người lính. Hòa bình lập lại, có người hưởng trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi. Có người mãi mãi nằm lại dưới lòng đất, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Như một “định mệnh”, nhiều hạnh phúc “một nửa” đã gặp nhau, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Mối tình của ông Tống Văn Ba và bà Nguyễn Thị Nem (ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, Tân Uyên) là một trường hợp như thế.

   Bà Nem “khoe” bằng khen của chồng - ông Tống Văn Ba

 Đến với nhau vì tình thương

Bà Nguyễn Thị Nem năm nay đã 78 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, giọng nói rành rọt khi kể cho chúng tôi nghe những chuyện quá khứ. Ngày đó, ông Tống Văn Ba và ông Nguyễn Văn Ga là hai người bạn, hai người đồng đội cùng tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 303 (Chiến khu Đ, Tân Uyên). Ngay từ khi 16 - 17 tuổi, hai ông đã làm giao liên cho cách mạng và trở nên thân thiết hơn sau khi cùng nhau thực hiện nhiều nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Sau đó, ông Ga kết hôn với bà Nem và có với nhau một cô con gái. Thế nhưng, hạnh phúc của họ không trọn vẹn khi ông Ga hy sinh ở Chiến khu Đ năm 1961. Bà Nem trở thành vợ liệt sĩ, một mình “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nuôi con gái nhỏ. “Thấy tôi vất vả, ông Ba hay giúp đỡ về vật chất, động viên tôi vượt qua khó khăn. Có lẽ chính tình thương và sự đồng cảm trong nỗi đau mất người thân đã đưa chúng tôi đến với nhau”, bà Nem chia sẻ.

Sau đó, ông bà lấy nhau trong sự ủng hộ của người thân, hàng xóm. Hòa bình lập lại, ông bà bắt tay vào xây dựng kinh tế gia đình. Mối tình “định mệnh” của họ “đơm hoa kết trái” khi 6 người con lần lượt ra đời. Cuộc mưu sinh tuy khó khăn nhưng trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Ông Ba tham gia các công tác xã hội ở địa phương, trở thành cán bộ Mặt trận huyện Tân Uyên, sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng. Để chồng yên tâm công tác, bà Nem cáng đáng việc nhà và chăm sóc con cái. Để tăng thêm thu nhập, bà học nghề tráng bánh và mở lò tại nhà; kết hợp trồng và chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.

Gia đình cách mạng gương mẫu

Bây giờ, nhìn ngôi nhà rộng rãi, khang trang với đầy đủ tiện nghi, ít ai có thể hình dung nổi ông bà đã trải qua quãng thời gian khó khăn như thế. Căn nhà được xây nên từ sự cần mẫn, tiết kiệm của vợ chồng bà và sự hỗ trợ của Nhà nước. Những người con của ông bà đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Mỗi người mỗi việc nhưng tất cả đều yêu thương nhau, cùng nhau chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ già. Chị Tống Thị Đẹp, con gái út của ông bà hiện làm cán bộ văn thư của xã Bạch Đằng và là Bí thư Chi đoàn ấp Điều Hòa. Chị Đẹp thường xuyên đoạt giải cao trong các hội thi dành cho cán bộ Đoàn cấp huyện, có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nói về mối quan hệ trong gia đình, chị cho biết: “Dù mấy anh chị em không có ai học cao, người làm xây dựng, người làm công nhân, người làm thợ hồ… nhưng chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của cha mẹ “đói cho sạch, rách cho thơm”, luôn yêu thương giúp đỡ lẫn nhau”.

Ông Ba, năm nay 82 tuổi, đã về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia, ủng hộ các phong trào ở địa phương. Bà Nem ở nhà trông cháu, vừa đỡ đần con lại vừa tránh được cảm giác cô đơn của tuổi già. Ông bà luôn tâm niệm phải sống đàng hoàng, gương mẫu để con cháu noi theo. Ông Ba cũng dạy các con coi liệt sĩ Nguyễn Văn Ga như người cha của mình và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Gia đình ông Ba, bà Nem đã được công nhận là Gia đình công dân kiểu mẫu, Gia đình cách mạng gương mẫu, Gia đình văn hóa tiêu biểu, Gia đình chính sách tiêu biểu của xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông bà đều mãn nguyện khi con cái trưởng thành, hòa thuận. Những ngày cuối tuần, khi 7 người con cùng mười mấy đứa cháu nội, ngoại tề tựu đầy đủ, ngôi nhà của ông Ba, bà Nem lại tràn ngập niềm vui và đầy ắp tiếng cười.

 T.TÂM - P.CHI