Mỗi gia đình cần phòng ngừa trước tệ nạn xã hội
(BDO) Hai ngành Công an và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổ chức tổng kết để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TW (gọi tắt là NQ liên tịch 01) về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2018-2020. Qua thực hiện nghị quyết, nhiều cách làm hiệu quả đã được nhân rộng.
Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp trao giấy khen cho đại diện các tập thể Hội LHPN có thành tích trong thực hiện NQ Liên tịch 01
Cần phòng ngừa tệ nạn xã hội
Bình Dương hiện thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, từ đó một lượng lớn người dân từ các tỉnh khác đến lao động, học tập, kinh doanh, sinh sống… cũng đã tạo áp lực lớn trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là về an ninh trật tự (ANTT). Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình ANTT có những diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động, trong đó đáng chú ý là tội phạm giết người, trộm cắp tài sản và độ tuổi vi phạm ngày càng trẻ hóa. Tình trạng cờ bạc, đá gà, ghi số đề, tệ nạn xã hội cũng diễn biến phức tạp, đan xen trong đời sống xã hội, tạo ra nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, việc phối hợp giữa 2 ngành giúp công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội LHPN trong phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm. Công an và Hội LHPN các cấp thường xuyên trao đổi thông tin liên quan tình hình ANTT, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là những phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm. Qua đó, Hội LHPN có biện pháp vận động gia đình hội viên quan tâm giáo dục các thành viên trong gia đình, hạn chế thấp nhất xảy ra vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Hoạt động này còn xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…
Về phía Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 76 lớp tập huấn các nội dung về tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, ứng xử của các thành viên trong gia đình, công tác phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS, kỹ năng sống… cho gần 9.420 người là cán bộ, hội viên, phụ nữ, học sinh, cha mẹ, nữ công nhân nhà trọ tham gia. Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức biên soạn và in 1.578 cuốn tài liệu phòng chống xâm hại trẻ em cấp phát cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, chi trưởng, chi phó của hội với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Hội đã sao chép 115 đĩa CD về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát hành để gửi đến các huyện, thị, thành phố, trực tiếp tư vấn cho gần 231 hội viên về các vấn đề hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai; phát hiện và cung cấp cho công an hơn 6.822 nguồn tin, trong đó có hơn 4.600 nguồn tin có giá trị…
Nhiều mô hình hay cần phát huy
Nói về việc thực hiện NQ liên tịch 01, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết một số đơn vị, địa phương có nhiều cách làm hiệu quả, như TP.Dĩ An tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; TP.Thuận An với các hoạt động hưởng ứng Ngày hội “An toàn giao thông”, “An toàn giao thông với nụ cười trẻ thơ”; tổ chức nói chuyện chuyên đề về “Giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử của các thành viên trong gia đình”, “Phòng chống ma túy, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trong học đường”. TX.Bến Cát có hội thi “Vì một mái ấm không có tệ nạn xã hội”; “Vai trò của gia đình trong việc giáo dục con em không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội”. TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo đều có cách làm hay trong việc tuyên truyền về phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, hướng dẫn học sinh các hoạt động vui chơi lành mạnh, tránh sa vào cạm bẫy, tệ nạn xã hội…
Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đánh giá rất cao về công tác phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 của 2 ngành. Theo ông, dân số Bình Dương tăng cơ học ngày càng đông, hiện tại đã hơn 2,5 triệu người, kéo theo đó công tác phòng chống tội phạm ngày càng khó khăn và phức tạp. Tội phạm thường lợi dụng nơi tập trung đông dân cư, những đối tượng dễ bị lợi dụng, lừa gạt như phụ nữ và trẻ em để dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội. Thế nên, sự phối hợp thường xuyên, liên tục từ cấp tỉnh đến cơ sở, đến từng khu ấp, nhà trọ… là vô cùng cần thiết.
“Trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin kịp thời giữa 2 ngành để xử lý các tình huống phức tạp tại cơ sở. Nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc ngăn ngừa, phòng chống tội phạm”, thượng tá Nguyễn Thanh Điệp cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết thời gian qua một số địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả trong việc tuyên truyền pháp luật, như TP.Dĩ An tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; TP.Thuận An với hoạt động Ngày hội “An toàn giao thông”, “An toàn giao thông với nụ cười trẻ thơ”, tổ chức nói chuyện chuyên đề về “Giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử của các thành viên trong gia đình”, “Phòng chống ma túy, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trong học đường”. TX.Bến Cát có các hội thi như “Vì một mái ấm không có tệ nạn xã hội”... Các chương trình này đã thu hút được nhiều người dân tham gia. |
QUỲNH NHƯ