Mời bạn ghé thăm nhà vườn Bình Dương…
(BDO)
Sông Đồng Nai đoạn bao quanh cù lao Bạch Đằng, phía xa là cây cầu Bạch Đằng nối nhịp bờ vui
Bưởi Bạch Đằng níu chân du khách
ĐIỂM DU LỊCH MIỆT VƯỜN LÝ TƯỞNG...
“Về Bình Dương có gì vui không?”. Mấy người bạn của tôi muốn tạm xa rời Sài Gòn chộn rộn vài ngày. Họ hỏi và yêu cầu tôi “lên lịch trình cho chuyến khám phá miệt vườn Bình Dương”. Chuyện nhỏ thôi, Bình Dương phát triển công nghiệp nhưng vẫn còn không gian cho du lịch sinh thái. Vẫn còn nơi để… trốn phố, trốn phường!
Nhóm chúng tôi hẹn gặp nhau ở Khu di tích Địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) rồi mới cùng nhau tham quan Khu du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng. Xe bon bon trên đường nhựa đưa cả nhóm đi thăm Di tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập), thăm vườn cây cao su thời Pháp thuộc (xã Định Hiệp) cho mọi người trầm trồ, tán thưởng “Sao nay đi rừng dễ dàng quá đỗi!”. Rừng cây ở Kiến An còn đủ các loại gỗ quý từ giáng hương, kơ-nia… Đường giao thông nông thôn được xây dựng, trải nhựa, kết nối các xã, thị tứ với nhau khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Và rồi, điểm cuối của chuyến đi hôm đó là đến thăm vườn cây ăn trái ở xã Thanh Tuyền. Ai nấy ồ lên ngạc nhiên thú vị.
Theo chương trình phát triển du lịch sinh thái của huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2020, UBND xã Thanh Tuyền cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cho địa phương. Ở đây đã có liên kết, xây dựng các tour du lịch đường bộvà đường thủy tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh. Và Thanh Tuyền là một điểm du lịch miệt vườn ngày càng được nhiều khách du lịch tìm về nghỉ ngơi.
Đưa chúng tôi đi thăm các nhà vườn, anh Hứa Huy Hoàng, cán bộ phụ trách văn hóa của xã Thanh Tuyền, cho biết ở địa phương đã có nhiều gia đình làm vườn thay vì trồng cao su truyền thống như xưa nay. Đến mùa bán cho thương lái thì họ bán vé cho du khách vào vườn ăn trái cây. Nếu bán cho thương lái như trước khoảng 22.000 đến 25.000 đồng/kg măng cụt thì chủ vườn bán vé tham quan cho khách theo kiểu bao ăn, bao no và… bao vui! Điều khiến bà con làm vườn vui lòng là họ đã giới thiệu đến du khách gần xa những sản vật của quê nhà Thanh Tuyền, là dịp để họ tự hào về thành quả lao động của nhà nông.
Những người làm du lịch ở xã Thanh Tuyền mới đây cũng đã chọn thêm 2 vườn cây của hộ ông Phạm Quang Ánh, ấp Rạch Kiến trồng măng cụt, dâu, dừa, sầu riêng, chuối, mít và nuôi cá thả ao. Hộ gia đình bà Trần Thị Gái Ba, ấp Suối Cát trồng măng cụt, sầu riêng, nuôi gà thả vườn để đưa du khách tới tham quan. Gà thả vườn được chủ nhà vườn bán và làm món ăn ngay tại chỗ cho du khách thưởng thức. Trong khi chờ món ăn được dọn lên, chúng tôi được các anh chị thành viên trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Như Ý phục vụ những bài hát ngọt ngào về quê hương Bình Dương. Khỏi phải nói sự thích thú hiện lên trên ánh mắt những người bạn của tôi. “Có cần về tới miền Tây đâu mà chúng mình cũng được ngày nghỉ thật vui vẻ với cây trái trong vườn, cá tôm trong hồ và gà để thưởng thức. Nay có điểm du lịch thật thú vị sát bên Sài Gòn như thế còn gì bằng”.
...VÀ QUÊ BƯỞI NÍU CHÂN DU KHÁCH!
Khi mới tới trung tâm phường Uyên Hưng (TX.Tân Uyên) uốn mình dọc theo con sông Đồng Nai thuyền ghe xuôi ngược, cả nhóm bạn tôi đã nhao nhao đòi dừng xe để chụp hình. Cảnh vật bình yên hiện ra và xa xa, cây cầu Bạch Đằng nối nhịp bờ vui đưa chúng tôi đến với “cù lao bưởi”. Hương lúa, hương bưởi hòa quyện. Hương quê nhiệt thành níu giữ hồn người. Ai nấy như tạm quên đi những vất vả mưu sinh và muốn mở to hết cỡ tầm mắt mà thu vào cảnh trời đất, sông nước, ruộng vườn bao la…
Cù lao Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) chỉ cách TP.Thủ Dầu Một khoảng hơn 20km về hướng đông. Đi theo đường băng qua thành phố mới Bình Dương càng thuận tiện và có nhiều điều để giới thiệu cùng bạn bè hơn nữa. Cù lao này gắn liền với thương hiệu của một loại trái cây nổi tiếng là bưởi đường lá cam Bạch Đằng. Nay còn có thêm các sản phẩm du lịch từ bưởi như rượu bưởi đậm đà, tinh dầu bưởi thơm tho, tinh khiết, mứt vỏ bưởi thanh tao. Tất cả là kết tinh của đất trời, của sông nước và văn hóa, tấm lòng bà con nơi đây.
Sau 2 lần tổ chức lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng, cù lao bưởi ngày càng được nhiều người biết đến. Hơn 9 năm có cây cầu Bạch Đằng (năm 2010, cầu Bạch Đằng được khánh thành sau 3 năm xây dựng) cũng là chừng đó năm, người dân xứ bưởi được thuận tiện hơn trong việc thông thương, thuận tiện hơn để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển vùng chuyên canh trồng bưởi, phục vụ cho du lịch sinh thái của địa phương, tạo thương hiệu cho bưởi Bạch Đằng vươn xa.
Một làng quê đậm chất Nam bộ hiện lên để cho du khách trầm trồ khi đến với Bạch Đằng. Hai bên đường, người dân trồng từng khóm hoa mười giờ, hoa dừa cạn. Ở đây, bạn sẽ có cảm giác như các loại cây, hoa đua hương, khoe sắc cùng nhau bất kể xuân hạ thu đông! Anh Đinh Quốc Phú, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên cho biết, sau rất nhiều cố gắng của lãnh đạo, người dân Bạch Đằng và cả TX.Tân Uyên, khu du lịch sinh thái ở đây dần dần thành hình. “Mai mốt chúng tôi tổ chức cho du khách trải nghiệm các tour làm vườn, làm ruộng, đua ghe, bắt cá… Du khách sẽ cảm nhận mình như là một nông dân thực thụ sống trong không khí thanh bình của làng quê Nam bộ. Bạn cũng có thể đến đây ngày mùa cùng bà con thu hoạch lúa, đến mùa tết để chọn mua từng chục bưởi đem tặng người thân”, anh Phú cho biết.
Và, mời bạn đến đây khi mùa bưởi rộ nhất. Đó là vào 2 dịp tết trong năm: Tết Đoan Ngọ (mồng 5- 5 âm lịch) và dịp Tết Nguyên đán (từ khoảng tháng 11 - đến tháng giêng âm lịch). Đến đây bạn sẽ được những người tốt bụng, chân chất như chủ vườn bưởi Hai Dương mời món mứt vỏ bưởi, gỏi bưởi hay múi bưởi thanh tao mới hái từ vườn nhà. Bạn cũng có thể ở lại ngay trong vườn bưởi, nơi những căn phòng gọn gàng mới được chủ vườn xây lên cho khách… trốn phố xá ồn ào.
Hãy đến thăm những ngôi nhà vườn thân thiện ở Bình Dương bạn nhé! Bạn sẽ cảm nhận được đủ đầy nhất 2 tiếng “miệt vườn” đầy ấm áp, thân thương!
QUỲNH NHƯ