Mộc mạc “Chợ quê ngày hội”

Thứ hai, ngày 07/06/2010

So với các kỳ festival trước đây, không gian văn hóa Festival Huế 2010 được mở rộng hơn, hầu hết tại các khu ngoại thành đều diễn ra các hoạt động văn hóa sôi nổi. Trong đó chương trình “Chợ quê ngày hội” tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn thuộc phường Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy là một điểm nhấn không thể bỏ qua trong chuỗi hành trình cùng với Festival Huế 2010, với sự mộc mạc, gần gũi của những góc chợ quê.

  Các mẹ xứ Huế đang xay lúa tại Chợ quê ngày hộiChương trình tái hiện lại không gian của những phiên chợ quê xứ Huế với cảnh các mẹ, các chị trao đổi hàng hóa trên bến dưới thuyền đông vui, nhộn nhịp. Song song với cảnh buôn bán ở chợ quê là các những hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian khác, như: đua ghe, giã gạo, “Làng vui chơi, làng ca hát” và các trò chơi dân gian: bịt mắt gõ om, bài chòi, nặn tò he, đá gà…. Bên cạnh đó là không gian trưng bày những nông cụ sản xuất của bà con nông dân vùng quê, như: đơm, cuốc, cày bừa, máy đạp nước, gàu tát nước, cối xay lúa…

Đến với “Chợ quê ngày hội” du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi một nét đẹp mộc mạc của làng quê Việt Nam còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Đặc biệt, Cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu gỗ, mái lợp ngói thuộc vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân ở thị xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó.

  Một góc Chợ quê ngày hội 

Cầu ngói Thanh Toàn đã được cấp bằng công nhận Di tích quốc gia, trở thành danh thắng quý hiếm của cả nước. Bà Trần Thị Ðạo, vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông đã bỏ tiền ra xây dựng cây cầu này vì muốn dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng, cho xứ. Tại ngày hội, dân làng đã tổ chức lễ cúng để tưởng nhớ bà, với đầy đủ các nghi thức truyền thống…

 

“Chợ quê ngày hội” kéo dài đến hết ngày 9-6.

 

HỒNG THUẬN