Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đón di sản thế giới vào 7-10
Mộc bản chùa Vĩnh NghiêmVào ngày 7-10 tới, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sẽ chủ trì Lễ đón Bằng công nhận "Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương" tại chính ngôi chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính.
Cùng với lễ đón bằng công nhận, Ban tổ chức cũng tiến hành Đại lễ cầu Quốc thái dân an.
Thông tin trên do đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang công bố tại cuộc họp thông báo các chương trình lễ đón nhận các sự kiện văn hóa và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội ngày 6-9.
Chương trình của Bắc Giang kéo dài từ ngày 29-9 đến hết ngày 8-10 tại nhiều địa điểm.
Cùng với lễ đón bằng công nhận Di sản ký ức thế giới, dịp này Bắc Giang cũng đón Bằng công nhận Di tích lịch sự cấp quốc gia đặc biệt "Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế" và Quyết định công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là ATK II.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gắn với ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, được mệnh danh là "Đại danh lam cổ tự," nổi tiếng khắp cả nước. Đây là trung tâm Phật giáo vào thời Trần, một chốn Tổ quan trọng, nơi ba vị Trúc Lâm Tam tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang từng trụ trì và mở đường thuyết pháp.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với số lượng 3.050 mộc bản, gồm 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh sách chính. Đó là kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ, được các vị Phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và kinh sách do các Tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác, truyền lại.
Chùa Vĩnh Nghiêm cũng chính là nơi khắc, in ấn kinh, sách giáo lý thiền phái Trúc Lâm từ thế kỷ 13, điều này được ghi rõ trong chính sử Việt Nam.
Buổi khai mạc lễ đón nhận các sự kiện văn hóa và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang lần thứ 5 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 6-10 với chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề "Bắc Giang, ký ức tỏa sáng," được tường thuật trực tiếp trên sóng nhiều đài truyền hình để nhân dân cùng theo dõi.
Chương trình nghệ thuật này sẽ làm nổi bật những nét văn hóa độc đáo từ xa xưa của các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang, trong đó có hát ống - một loại hình nghệ thuật dân gian tồn tại hàng trăm năm qua ở Bắc Giang...
Chương trình nghệ thuật này sẽ góp phần làm thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, quảng bá hình ảnh Bắc Giang, vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc, vùng đất di sản, giàu tiền năng du lịch đến các tỉnh bạn và bạn bè quốc tế.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết các sự kiện lần này của Bắc Giang là khởi đầu quan trọng cho chương trình hành động về phát triển du lịch mà tỉnh đang chú trọng phát triển trong thời gian tới.
Hiện Bắc Giang xây dựng xong quy hoạch phát triển du lịch, trong đó có du lịch vùng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh còn hoang sơ. Tỉnh cũng định mức đầu tư 2.700 tỷ đồng xây dựng đường lên khu du lịch này, sau đó sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác phát triển du lịch nơi đây.
Trong khuôn khổ các sự kiện kéo dài từ 29-9 đến 8-10, Bắc Giang còn tổ chức hội thảo "Liên kết phát triển du lịch Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn;" trình diễn Di sản văn hóa Quan họ, Ca trù tại mô hình đình làng Việt.
Bên cạnh đó còn có Liên hoan ca múa nhạc dân gian; thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian; trình diễn nghề thủ công; cuộc thi Người đẹp Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang lần thứ 5...
Theo TTXVN