Mơ ước về một ngày mai tươi sáng
Đầu năm học 2012-2013, Báo Bình Dương nhận được đơn “kêu cứu” của chị Lê Thị Bích Thủy nhờ báo hỗ trợ để chị trang trải học phí cho con là Lê Tuấn Anh, đang học lớp 10, trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, kẻo con đường học tập của cháu bị lỡ dở.
Lần theo địa chỉ số nhà 20/13, ấp 2, xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi tìm đến nhà chị Thủy trong một buổi chiều mưa rả rích. Chị Thủy đang đi làm công ở một vựa ve chai gần đó đến tối mịt mới về; cháu Tuấn Anh cũng đang học ở trường. Trong khi chờ đợi 2 nhân vật quan trọng, bà Nguyễn Thị Liên Pha, bà ngoại của Tuấn Anh bùi ngùi kể lại đoạn trường cuộc đời của con cháu mình. Chị Thủy bị chồng phụ bạc khi 2 con chưa bước qua tuổi mẫu giáo. Bơ vơ giữa đời, chị về sống với mẹ cho đến nay. Khi còn khỏe, bà Pha đi cắt lể kiếm tiền, phụ con gái nuôi 2 con. Nhưng nhiều năm nay do tuổi già, sức yếu bà không còn đi làm được nữa. Mấy tháng trước bà bị té gãy chân khiến cho gia đình càng khó khăn chồng chất. Còn chị Thủy, tài sản, vốn liếng không có, ngày ngày chị đi làm thuê ở một vựa ve chai kiếm tiền để nuôi 2 con ăn học. Hiện đứa con trai lớn đã đi làm nhưng cũng chỉ đủ lo cho bản thân. Hoàn cảnh gia đình chị Thủy hiện nay khá bi đát, với mức thu nhập chưa đến 60.000 đồng/ngày mà phải lo cho 3 người: 1 người già 73 tuổi, 1 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và bản thân chị, điều này quả là ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Bữa cơm gia đình thường xuyên chỉ có độc một món rau xào hoặc canh, họa hoằn mới có thêm được món mặn. Ăn uống kham khổ nhưng phải làm việc quần quật, khiến cho chị Thủy ngày càng gầy mòn. Buổi sáng, chị chỉ dám ăn 5.000 đồng bánh ướt, trưa ăn cơm nguội hoặc 3.000 đồng xôi cầm hơi. Đến chiều về nhà nhìn dáng chị đi liêu xiêu, người thì nhếch nhác bởi cả ngày “vật lộn” với mớ ve chai dơ bẩn. Quả thật, cuộc đời của người phụ nữ này sao chịu quá nhiều thiệt thòi, thiếu thốn. Sống trong sự thiếu thốn đến cùng cực, vậy mà chị vẫn chống chọi với đời để sống. Có lẽ nghị lực lớn nhất giúp chị vượt qua mọi khổ đau mà cuộc đời trớ trêu bắt chị phải đeo mang chính là Tuấn Anh, niềm hy vọng lớn nhất của chị.
Đại diện Báo Bình Dương trao tặng em Tuấn Anh 1 triệu đồng, giúp em trang trải phần nào chi phí học tập trong năm học mới Với Tuấn Anh, dù điều kiện học tập thua sút bạn bè, nhưng hàng năm em luôn là học sinh tiên tiến, được nhà trường khen thưởng hàng năm, năm học lớp 7 em còn được trường THCS Tương Bình Hiệp chọn đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp thị xã. Nhắc đến Tuấn Anh cũng có nhiều nỗi niềm đáng để tâm sự lắm. Năm em học cấp II, do nhà quá nghèo, vì mặc cảm Tuấn Anh đã nghỉ học. 1 năm là quãng thời gian quá đủ để cậu bé suy nghĩ để vượt qua nghèo khó chỉ có con đường học vấn và em quyết tâm đi học trở lại. Bởi em suy nghĩ, nghèo không phải là cái tội, nếu không biết vươn lên để vượt qua số phận mới là kẻ hèn.
Năm nay, Tuấn Anh lên lớp 10, các khoản phí đầu năm cũng nhiều hơn. Trong mấy tháng hè em đi vẽ ở các cơ sở sơn mài, dành dụm được chút ít chỉ đủ mua sách vở, cặp, dụng cụ học tập. Vừa rồi để có trên 800.000 đồng cho em đóng tiền đầu năm, mẹ em đã phải chạy vạy vay mượn đủ chỗ mới có được. Rồi đây, chị Thủy cũng không biết tìm đâu ra để trả nợ, bởi lo cái ăn hàng ngày đã hụt hơi rồi. Khi được hỏi vì sao làm ở vựa ve chai cực, ô nhiễm mà tiền công thấp, sao không tìm việc khác làm? Chị Thủy buồn rầu nói: “Biết là vậy, nhưng nghỉ rồi biết làm gì, vì chị nay đã 53 tuổi, đâu ai thuê mướn, còn làm ở xí nghiệp thì cũng không ai nhận cả. Thôi thì, cố bấu víu mà làm tới đâu hay tới đó”. Bà Liên Pha, mẹ chị kể, có đêm thấy con nằm gác tay lên trán rồi bất chợt thốt lên: phải chi bây giờ trúng số! Dù biết rằng điều ước ấy thật khó xảy ra, bởi tiền không có ăn lấy đâu mà mua vé số, nhưng chị vẫn mơ ước về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với gia đình chị.
A.Sáng