Mở rộng thị trường xuất khẩu: Doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác
(BDO) Theo các chuyên gia kinh tế, để xuất khẩu tăng trưởng bền vững cần phải có giải pháp tổng thể thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời duy trì thị trường xuất khẩu ổn định, nâng cao năng suất lao động… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trong năm 2018?
- Năm 2018, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan. Trong nước, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ ngày càng cao, với yêu cầu nói phải đi đôi với làm. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Theo lộ trình cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam tại các nước.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương.
Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Nhìn tổng thể, dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn rộng lớn. Từ kết quả tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước trong quý I-2018 các chuyên gia cho rằng, động lực chính cho mức tăng trưởng 7,38% là môi trường kinh doanh được cải thiện. Sự tăng trưởng xuất khẩu khá tốt đã góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, cùng với sự phục hồi của ngành nông nghiệp và nhu cầu nội địa tăng được xem là động lực rất quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục lớn mạnh.
Tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu. Kết quả trong quý I-2018 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 45.504 tỷ đồng, tăng 16,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo, tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm nay tiếp tục đạt mức cao, tiếp tục tạo đà tăng trưởng cáo cho các năm tiếp theo.
- Thưa ông, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cần chuẩn bị tốt những vấn đề gì để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hiện nay?
- Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng việc áp dụng các tiêu chuẩn về chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe cũng sẽ tạo nên những rào cản mới bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững, cần phải có giải pháp tổng thể, căn cơ từ thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng chất lượng cho xuất khẩu đến nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, cần duy trì thị trường xuất khẩu ổn định, có những giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cũng như nâng cao năng suất lao động; đồng thời tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường… Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải liên kết chặt chẽ với nhau.
Việc các FTA mà Việt Nam tham gia có hiệu lực được trông đợi sẽ đem nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước, do không phải chịu thuế nhập khẩu; trong khi đó thị trường khu vực cũng vì thế mà rộng mở hơn. Tuy vậy, thách thức đối với hàng sản xuất trong nước là sẽ bị cạnh tranh quyết liệt, không loại trừ thị trường truyền thống rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Để tận dụng tốt cơ hội các FTA mang lại, các doanh nghiệp xuất khẩu phải nắm chắc quy tắc xuất xứ, bảo đảm đúng quy định để được hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường nghiên cứu thị trường, sản phẩm tại các nền kinh tế trên thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; phải xác định được chiến lược mặt hàng xuất khẩu và chiến lược thị trường đúng đắn. Trên cơ sở lựa chọn thị trường và xác định được mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý sao cho phù hợp. Vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm nữa là mặt hàng xuất khẩu phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Một điều tiên quyết tôi luôn nhấn mạnh tại các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp trong tỉnh là phải tăng cường liên kết hợp tác theo chiều dọc và chiều ngang để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu và phải luôn nhận thức được tầm quan trọng giữa cạnh tranh và hợp tác. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, đào tạo và phát huy năng lực lãnh đạo của nhà quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận thức được vai trò quan trọng của các hiệp hội ngành hàng, phải liên kết chặt chẽ với các tổ chức này để các tổ chức này thật sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước. Có thể thấy, khi hội nhập, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau không những làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm khả năng cạnh tranh mà còn đe dọa đến sự sống còn của chính doanh nghiệp đó. Hiện nay, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt đòi hỏi việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.
Hội nhập kinh tế quốc tế trong một thế giới toàn cầu hóa, sự biến động trên thị trường các nước sẽ tác động mạnh đến thị trường trong nước. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự nhanh nhạy trong trước những biến động của thị trường thế giới. Những biến động dù rất nhỏ nhưng nếu không tích cực phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, dự báo xu hướng tiếp diễn và có biện pháp phòng ngừa thì việc chúng ta bị ảnh hưởng là rất lớn. Do vậy, việc xây dựng một bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro: rủi ro thị trường, rủi ro chính trị, rủi ro đối tác, rủi ro thanh toán, đặc biệt phải đầu tư và tận dụng công nghệ trong kinh doanh và phát triển thị trường cũng đang là đòi hỏi cấp thiết. Có một công cụ mà doanh nghiệp trong nước cần quan tâm thực hiện tốt hơn là phân tích SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức).
- Sở Công thương tiếp tục có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong thời gian tới, thưa ông?
- Một điều mà chúng tôi rất trăn trở là làm thế nào để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh khai thác được tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là cải tiến hoạt động xúc tiến sao cho phù hợp với bối cảnh kinh tế mới. Với chúng tôi, mỗi thương hiệu mạnh của sản phẩm không chỉ tạo nên hình ảnh đẹp của doanh nghiệp mà còn tạo nên hình ảnh đẹp của thương hiệu Bình Dương, tạo uy tín cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh nhà và cả nước.
Hiện nay, Sở Công thương đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ chuyên ngành, gắn với công tác xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường nhằm giúp doanh nghiệp tiến gần hơn với quy định, tiêu chuẩn tại thị trường nước ngoài, từ đó doanh nghiệp chủ động đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu thị trường, xác định chiến lược phù hợp. Đây là điều lâu nay các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như trong nước xem là rào cản, nay chúng tôi có nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp bước qua rào cản này. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ công tác xúc tiến xuất khẩu không chỉ tìm kiếm thị trường cho hàng hóa mà còn chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại giúp doanh nghiệp xuất khẩu bền vững hơn. Chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết giúp hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường, do đó doanh nghiệp cần đầu tư đúng mức cải tiến sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Do kinh phí hỗ trợ có hạn, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm hơn. Cụ thể, ngành công thương sẽ phân nhóm ngành, doanh nghiệp và sản phẩm để hỗ trợ, theo đó nhóm ngành, doanh nghiệp nào đã trưởng thành sẽ hỗ trợ phát triển công tác truyền thông thương hiệu; nhóm nào cần tìm kiếm đối tác sẽ hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ triển lãm; nhóm nào cần đào tạo chuyên sâu về thương hiệu, thiết kế sẽ được tham gia các khóa huấn luyện.
Chúng tôi cũng đang tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin để cung cấp chính xác và chi tiết về những dữ liệu mà DN cần, giúp doanh nghiệp có thể an tâm lựa chọn thông tin thích hợp nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
TIỂU MY (thực hiện)