Mở rộng nguồn giới thiệu nhân sự cho đại hội đảng các cấp

Chủ nhật, ngày 26/01/2020

(BDO)

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đất nước có nhiều ngày lễ lớn, nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ rất lớn đối với ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã trả lời phỏng vấn về những công việc trọng tâm Ngành triển khai trong năm 2020.

- Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm ngành tổ chức xây dựng Đảng sẽ tập trung thực hiện trong năm 2020, đặc biệt là công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Nhiệm vụ đặt ra cho công tác tổ chức xây dựng Đảng rất nặng nề, vừa phải nỗ lực tập trung thực hiện có kết quả các mặt công tác theo nghị quyết, kết luận của Trung ương và cấp ủy các cấp; đồng thời, tích cực chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Một là, triển khai thực hiện các đề án trình Trung ương và cấp ủy các cấp theo Chương trình, kế hoạch công tác năm 2020 bảo đảm tiến độ, chất lượng và yêu cầu. Hai là, chuẩn bị, tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng gắn với đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng gắn với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Bốn là, tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Năm là, triển khai thực hiện đồng bộ công tác cán bộ thường xuyên và bảo vệ chính trị nội bộ. Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng. Bảy là, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận. Tám là, xây dựng ngành tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Về công tác chuẩn bị, tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung vào một số nội dung chính sau: Tham mưu hoàn thiện có chất lượng Báo cáo tổng kết công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội XII của Đảng và Phương hướng công tác nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, trình Đại hội XIII.

Tiếp tục rà soát quy hoạch cấp ủy các cấp, chủ động tham mưu điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ gắn với công tác nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là việc bố trí chức danh người đứng đầu, các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và lãnh đạo cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 phải tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.

Kiên quyết không để lọt những cán bộ kém phẩm chất, yếu năng lực và uy tín thấp vào cấp ủy các cấp nhưng cũng không để sót cán bộ có đức, có tài tham gia cấp ủy các cấp. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những hoạt động chống phá công tác nhân sự của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, nhất là việc chống phá từ trong nội bộ. 

Ngành tham mưu tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ cấp mình và theo dõi, nắm tình hình, chỉ đạo đại hội cấp dưới. Tổ chức tốt việc thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu tiến hành bỏ phiếu bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ ở xã Chính Nghĩa, Huyện Kim Động, Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

- Công tác nhân sự luôn xác định là một trong những vấn đề quan trọng với mỗi kỳ đại hội, vậy trong quá trình chuẩn bị đại hội lần này, các tổ chức đảng, đặc biệt là cấp ủy Đảng, cần chú trọng vào những khâu nào trong lựa chọn và giới thiệu nhân sự, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Để lựa chọn được những người ưu tú, xứng đáng tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, quán triệt sâu sắc và bám sát Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt một số nội dung như sau:

Một là, việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở nguồn quy hoạch cán bộ; trong xem xét, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện gắn với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ đồng thời, cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng.

Chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ, quan tâm cán bộ trong nguồn quy hoạch là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng phát triển, được bồi dưỡng, đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, được luân chuyển, rèn luyện trong thực tiễn để xem xét, lựa chọn giới thiệu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ; những đảng viên có vấn đề về chính trị phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy. Phương án nhân sự cấp ủy phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hai là, quán triệt tiêu chuẩn chung cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; đồng thời, bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu trong Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình để cụ thể hóa, thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ, thống nhất về tiêu chuẩn cấp ủy viên, các chức danh lãnh đạo cấp ủy ở cấp mình; trong đó cần xác định rõ các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác, kinh nghiệm thực tiễn, uy tín, thành tích công tác,… cho sát hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới.

Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Ba là, việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải thực hiện thông qua quy trình nhân sự 5 bước bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng; đối với những đồng chí cấp ủy viên đương nhiệm thì không chỉ xem xét điều kiện tái cử về tuổi mà đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện quy trình nhân sự, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá dân chủ, công khai, chính xác để khẳng định nếu đủ tín nhiệm, năng lực, phẩm chất mới tiếp tục giới thiệu tái cử nhiệm kỳ tới.

Đối với đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, trên cơ sở nguồn quy hoạch cán bộ để thực hiện quy trình và phát huy tối đa dân chủ, với cơ chế mở rộng nguồn giới thiệu, lựa chọn có số dư để tăng tính cạnh tranh, cọ xát nhằm phát hiện, lựa chọn những đồng chí xứng đáng nhất để giới thiệu cho đại hội xem xét, bầu chọn.

Nếu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, thực hiện thật tốt các nội dung trên sẽ có đủ cơ sở để xem xét, lựa chọn được những người xứng đáng để đại hội bầu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới.

- Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền được Đảng ta xác định là yêu cầu cấp bách trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp, nhất là cấp chiến lược. Xin ông cho biết những biện pháp hữu hiệu đã và đang được Ban Tổ chức Trung ương thực hiện và hướng dẫn các tổ chức đảng để giám sát, phát hiện và xử lý các cá nhân vi phạm Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Việc kịp thời tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là một trong những điểm nổi bật trong tham mưu về công tác cán bộ của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Để Quy định sớm đi vào đời sống trong tổ chức đảng các cấp, nhất là ở cơ sở, cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu về tầm quan trọng và sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện Quy định.

Hai là, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dân chủ, công khai các quy trình, các khâu, các bước trong công tác cán bộ, nhất là trong bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm.

Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực. Định kỳ trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm; coi trọng và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.

- Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị thông qua công tác kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2020 như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Thời gian qua, cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp đã tham mưu cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Sau hai năm thực hiện, bước đầu đã giảm được hàng trăm đầu mối trực thuộc tỉnh, gần 500 đầu mối trực thuộc huyện, giảm hơn 15 nghìn cấp trưởng, cấp phó các cấp; giảm hơn 236 nghìn (6,58%) biên chế công chức, viên chức so với năm 2015.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị thông qua công tác kiện toàn, sắp xếp tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được, nhằm giải quyết các hạn chế, bất cập nêu trên, một số nội dung sau cần chú trọng triển khai trong năm 2020, đó là: Đẩy mạnh việc kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phù hợp với tình hình thực tế.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đồng bộ với các nghị quyết, quy định, quy chế của Đảng. Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Trong quá trình thực hiện cần làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Xây dựng hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN