Mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan

Thứ hai, ngày 08/04/2019

(BDO)
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte qua cầu Thê Húc vào tham quan đền Ngọc Sơn (Hà Nội), trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 16-17/6/2014. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 9/4.

Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman đã trả lời phỏng vấn về quan hệ hai nước.

- Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte?

Đại sứ Elsbeth Akkerman: Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam, cùng đi với Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm lần này có Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm cùng hơn 100 doanh nhân đến từ 70 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hợp tác tiêu biểu giữa hai nước.

Chuyến thăm nhằm tăng cường và mở rộng các mối quan hệ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Trải qua hơn 45 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai nước bao gồm nông nghiệp và an ninh lương thực, quản lý nước và biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực hợp tác tiêu biểu Việt Nam-Hà Lan dựa trên những điểm tương đồng của hai nước như cùng là những nền kinh tế mở; quốc gia có vị trí địa lý ở vùng đồng bằng có phần lớn diện tích nằm dưới mực nước biển, chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, Hà Lan luôn hướng tới xuất khẩu các sản phẩm từ nông nghiệp và nền nông nghiệp nước. Cũng phải kể đến việc Việt Nam hiện đang là trọng tâm của châu Á. Hà Lan cũng có vị trí như vậy đối với châu Âu. Chính vì vậy, hai nước có rất nhiều điểm tương đồng cùng các lĩnh vực phát triển chung nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan hiện nay.

Chuyến thăm là cơ hội để Thủ tướng Mark Rutte khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác với Việt Nam trong bối cảnh mới.

Chính phủ Hà Lan đã cam kết đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam cũng dành nhiều quan tâm đối với vấn đề này.

Tôi cho rằng hai Thủ tướng Việt Nam và Hà Lan sẽ đề cập đến vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc bởi biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của hai nước Việt Nam-Hà Lan mà là vấn đề ảnh hưởng tới toàn cầu. Hà Lan đang và sẽ tiếp tục là đối tác của Việt Nam trên khía cạnh giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutte sẽ có cuộc thảo luận về vấn đề chuyển đổi mô hình nông nghiệp, những bài học kinh nghiệm của Hà Lan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp hai nước sẽ thảo luận về hợp tác sâu đối với nông nghiệp tuần hoàn, việc ứng dụng công nghệ thông minh, trong đó, một mặt là hợp tác kinh doanh, mặt khác việc trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này là rất cần thiết bởi biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu mà hai quốc gia đang phải đối mặt.

- Trải qua hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (9/3/1973-9/3/2019), hai nước Việt Nam-Hà Lan đã cùng hợp tác, phát triển trên nền tảng lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau. Đại sứ có thể cho biết một số nét chính trong quan hệ hai nước thời gian qua, triển vọng hợp tác thời gian tới?

Đại sứ Elsbeth Akkerman: Lĩnh vực hợp tác nổi bật nhất giữa hai nước chính là quản lý nước và nông nghiệp. Một ví dụ điển hình cho quá trình hợp tác hiệu quả là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ hai nước cùng các cơ quan nghiên cứu, địa phương của Việt Nam đã cùng thực hiện nghiên cứu, soạn thảo và triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (Kế hoạch nghiên cứu tầm nhìn dài hạn 100 năm cho Đồng bằng sông Cửu Long).

Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 10/7/2017, tại thành phố La Haye. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về các lĩnh vực triển vọng hợp tác, tôi cho rằng một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác nổi bật là hàng hải. Thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở lớn về đóng tàu, quản lý cảng, vận tải thủy nội địa. Việc sử dụng đường thủy nội địa thay vì vận tải đường bộ sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Vì vậy, phía Hà Lan đang nghiên cứu các phương thức vận chuyển thông minh thích hợp cho Việt Nam nhằm giảm áp lực đối với môi trường.

Cùng với đó, dân số Việt Nam rất lớn và dòng lao động di chuyển từ nông thôn đến khu vực đô thị ngày càng tăng. Hà Lan dù là một quốc gia nhỏ, ít người nhưng cũng có kinh nghiệm đối với vấn đề dân số tập trung và đô thị hóa. Do đó, Hà Lan cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam nói chung và với các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng trong các lĩnh vực kết nối, lưu chuyển đô thị, dịch vụ truy cập... Đây là những lĩnh vực hợp tác tương lai với sự giúp đỡ từ công nghệ thông minh.

- Đảm nhận nhiệm vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam từ tháng 8/2018, xin Đại sứ cho biết những ưu tiên trong nhiệm kỳ của Đại sứ nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương Việt Nam-Hà Lan?

Đại sứ Elsbeth Akkerman: Việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hai nước là rất quan trọng. Điều này đặc biệt hơn nữa khi các doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp vào mục tiêu phát triển chung. Chính phủ Hà Lan có chính sách rất rõ ràng, đó là các doanh nghiệp phải kinh doanh theo hướng bền vững. Việc kiếm lợi nhuận không sai nhưng không theo cách trả giá bằng tính mạng con người và hành tinh này. Vì vậy, hãy kinh doanh và chăm sóc môi trường làm việc, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.

Tôi cũng sẽ tham gia giám sát vấn đề này đối với các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam. Cùng với đó, tôi cho rằng Chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, cộng đồng cần đưa ra các giải pháp thông minh và bền vững đối với những thách thức hiện nay ở Việt Nam. Phát triển kinh tế bền vững để mọi người dân đều được hưởng lợi ích thiết thực.

Với tư cách là Đại sứ, tôi sẽ đặc biệt chú trọng tới việc phát triển tài năng và kỹ năng của thế hệ trẻ một cách toàn diện và đa dạng; đảm bảo rằng họ có thể sử dụng tài năng, sự sáng tạo của mình đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm tới các hoạt động của nữ giới, về bình đẳng giới, vấn đề trao quyền cho phụ nữ và cộng đồng LGBT nhằm đảm bảo họ cũng có những cơ hội công bằng.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./. 

Theo TTXVN

Từ khóa: