Mở rộng giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển

Thứ năm, ngày 08/10/2020

(BDO)

Các đại biểu và văn nghệ sĩ Hàn Quốc, Bình Dương trong chương trình Giao lưu biểu diễn nghệ
thuật truyền thống Việt Nam - Hàn Quốc năm 2017

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đặc trưng

Bình Dương là một trong 21 tỉnh, thành phố Nam bộ có nhiều đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Năm 2017, tỉnh tạo dấu ấn với sự kiện đăng cai tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II. Đồng thời, Bình Dương đã và đang nỗ lực thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020”.

Đến nay, tỉnh có 1 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân nhân dân, 13 nghệ nhân ưu tú và việc đưa các bộ đờn ca tài tử, cải lương, dân ca Nam bộ… vào trường học có ý nghĩa lớn trong nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật dân gian. Để nghệ thuật đờn ca tài tử được truyền bá sâu rộng trong cộng đồng, tỉnh đã tổ chức 3 khóa truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử và 1 khóa bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn đờn ca tài tử - sân khấu cải lương. Các khóa học đã thu hút gần 200 học viên tham gia. Bên cạnh đó, trên sóng phát thanh và truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương cũng có chương trình “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương” và chương trình “Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương”. Các chương trình này do các nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo có uy tín của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh và Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh giảng dạy. Ngoài ra, tại các câu lạc bộ, các lò tài tử tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng thu hút nhiều hội viên, học viên, người mộ điệu tham gia.

Để các giá trị độc đáo của các loại hình nghệ thuật ngày càng phát huy, tỉnh đã tổ chức nhiều sân chơi, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ và người mộ điệu giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm sinh hoạt văn hóa văn nghệ truyền thống tại địa phương. Qua đó, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tiếp thu tinh hoa

Hiện nay, Bình Dương là tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có những chuyển biến tích cực. Qua các hoạt động này, người dân Bình Dương đã có cơ hội tiếp cận với văn hóa, đặc trưng của các nước, đồng thời giúp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng thêm mối quan hệ hữu nghị quốc tế.

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, năm 2017, Bình Dương phối hợp với Văn phòng đại diện phía Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt . Nam và Hiệp hội Kế thừa nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc (KTAIA) tổ chức chương trình Giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Hàn Quốc. Ngoài chương trình này, từ năm 2005 đến nay, Bình Dương và Hàn Quốc còn có một hoạt động thường niên, đó là chương trình giao lưu văn nghệ giữa thanh thiếu niên TP.Daejon (Hàn Quốc) và tỉnh Bình Dương

Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ tại Bình Dương. Các hoạt động được tổ chức thường xuyên tại các trường học trong tỉnh, hoặc tổ chức định kỳ vào các dịp lễ, tết, sự kiện trọng đại của 2 nước. Các hoạt động lễ hội được tổ chức với sự đa dạng về hình thức và phong phú về các loại hình văn hóa như ẩm thực, thư pháp, văn hóa văn nghệ… Ngoài ra, Bình Dương cũng là điểm đến của các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ của các sinh viên 3 nước Đông Dương. Tiêu biểu là chương trình “Chung dòng Mê kông - Nghĩa tình sâu nặng”...

Quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế, văn hóa và sự phát triển của các loại hình truyền thông đa phương tiện là cơ hội để người dân tiếp cận thông tin, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng cũng đang đặt ra những thách thức trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tháng 11- 2019, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh”. Hội thảo đã thu hút được 89 bài tham luận là một trong những cơ sở khoa học nhằm đánh giá thực tiễn và bổ sung cơ sở lý luận nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động số 88 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đồng thời, đây còn là tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng con người Bình Dương với những chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn phát triển và hội nhập quốc tế.

Theo ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới sở sẽ tăng cường công tác phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, nhất là việc thông qua các sự kiện, diễn đàn do Bình Dương đăng cai tổ chức, qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về vùng đất, văn hóa, con người Bình Dương đến bạn bè trong nước và quốc tế.

MINH HIẾU