Mở lối cho vật liệu không nung
Quy trách nhiệm, buộc sử dụng
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD hướng dẫn quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-1-2013. Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng VLXDKN theo lộ trình. Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXDKN. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN kể từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
Thông tư 09 của Bộ Xây dựng góp phần cho VLXDKN được sử dụng rộng rãi hơn
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn. Những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.Bình Dương có lộ trình cụ thể
Theo thống kê, trung bình mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch. Các nhà chuyên môn tính toán, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất nông nghiệp với độ sâu 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2. Năm 2020, nhu cầu vật liệu xây cả nước hơn 40 tỷ viên gạch, nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung như hiện nay sẽ tiêu tốn khoảng 57 - 60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800 -3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu hao khoảng 5,3 - 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn CO2. Vì thế sử dụng VLXDKN không những bảo vệ được nhiều cánh đồng sản xuất mà còn tận dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường sống.
Tại Bình Dương, việc quy hoạch vật liệu xây dựng đến năm 2020 đã được xây dựng và hoàn chỉnh. Theo đó, việc đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gạch không nung theo công nghệ tiên tiến phải đạt quy mô công suất từ 20 triệu viên/năm trở lên. Ngành xây dựng Bình Dương còn đặt ra mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm từ công nghệ mới mẻ này. Theo phương án phát triển vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt thì trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 4 cơ sở sản xuất gạch không nung đạt công suất lên đến 80 triệu viên/năm. Địa điểm dự kiến xây dựng cơ sở sẽ là TP.TDM, TX.Dĩ An, huyện Tân Uyên và Bến Cát. Đối với bê tông nhẹ, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất bê tông bọt công suất 72 ngàn m3/năm, vốn đầu tư khoảng 32 tỷ đồng tại TP.TDM.
Bình Dương có tốc độ xây dựng khá mạnh so với mặt bằng chung cả nước. Chính vì thế, việc khuyến khích phát triển VLXDKN trong những năm tới phù hợp với nhu cầu của tỉnh và cũng đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra từ Chính phủ, cụ thể là Thông tư 09.
MINH NGUYỄN