Mở lối cho nông sản
(BDO) Nỗ lực từ nhiều phía
Từ năm 2011, Bình Dương đã triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến. Trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Bình Dương. Giai đoạn 2016-2020, giá trị ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,74%/năm. Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, 5 năm qua, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Diện tích các loại cây trồng cơ bản ổn định, đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh, việc ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đã hình thành, phát triển theo quy hoạch.
Ngành công thương nỗ lực hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đưa nông sản địa phương vươn xa
Tuy đạt những bước tiến rất lớn, nông sản tại địa phương có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, song vẫn chưa có hướng đi vững chắc trong việc liên kết chuỗi cung ứng nông sản. Nguyên nhân được xác định trước hết là do người sản xuất chưa thật sự chú trọng đến thị trường, chưa giải quyết được việc mất cân đối của thị trường đầu vào, đầu ra. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định. Cùng với đó, “quy luật” được mùa mất giá vẫn luôn diễn ra, khiến cho mặt hàng nông sản trong nước thường bị biến động, nhà đầu tư chưa an tâm khi muốn đầu tư liên kết, hợp tác lâu dài, ổn định. Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (huyện Bắc Tân Uyên), chia sẻ thực tế thời gian qua cho thấy, điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn diễn ra. Cụ thể như mùa vụ rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, trái cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên phần lớn các nhà vườn trúng mùa nhưng giá bán lại quá thấp so với trước vì phụ thuộc vào thương lái.
Chia sẻ về kinh nghiệm thị trường, bà Nguyễn Thanh Thủy (Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy, huyện Bàu Bàng), cho biết để tìm chỗ đứng trên thị trường là bài toán khó và cần những hướng đi chiến lược. Hiện tại, trang trại 14 ha của bà Thủy được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đã cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội gần 500 tấn bưởi thương phẩm hàng năm. Bưởi da xanh Thanh Thủy đã có mặt tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị Metro, Vincom.
Gặp gỡ khách hàng tại hội nghị kết nối cung cầu nông sản địa phương
Thời gian qua, ngành công thương phối hợp các địa phương tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản thu hút được số lượng lớn các doanh nghiệp tham gia, đem lại hiệu quả quan trọng trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Ngành cũng tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu trực tiếp mang lại hiệu quả cao cho các đơn vị sản xuất đưa hàng hóa vào các đơn vị phân phối lớn. Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, Hợp tác xã Nông nghiệp Hoa Đa Lộc (TX.Bến Cát), cho biết những hoạt động kết nối cung cầu rất hữu ích với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp vốn còn “non nớt” trên thị trường.
Nhu cầu thị trường rất lớn, song doanh nghiệp rất cần các chương trình kết nối, các ngành chức năng hỗ trợ. Trong thời gian tới, chị Tâm cho biết Hợp tác xã Nông nghiệp Hoa Đa Lộc sẽ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm vươn xa.
Phát triển chuỗi cung ứng
Với phương châm “buôn có bạn, bán có phường”, thời gian qua, các cấp ngành, địa phương luôn phối hợp để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững. Trong đó, kết nối vẫn là giải pháp then chốt để quảng bá và mở rộng thị trường cho nông sản địa phương. Các hội nghị kết nối cung cầu nông sản là cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực nông sản có kinh nghiệm tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm tạo bước đột phá trong tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp, trung tâm đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, nhất là các nông sản chế biến hàng hóa chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng tới thân thiện với môi trường. Thông qua các chương trình, nhiều nông sản thực phẩm của địa phương đã được hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Về lâu dài, để hình thành nên một chuỗi cung ứng nông nghiệp theo hướng bền vững, Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.Hồ Chí Minh), cho biết trong tương lai tỉnh Bình Dương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như xây dựng chiến lược sản xuất, thu mua và phân phối; giảm thời gian ra thị trường của nông sản; đáp ứng quy mô cho nghiên cứu sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng một mạng lưới thu mua nông sản trên toàn tỉnh và các vùng lân cận, hình thành trung tâm thu mua và sơ chế của tỉnh để nông sản sau khi được thu mua và sơ chế sẽ được tập trung về một trung tâm logistics lớn trong vùng.
Cùng với đó, Bình Dương cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh và hệ thống vận tải đa phương thức, bao gồm đường bộ và đường thủy nội địa. Tỉnh cũng cần hình thành một đại trung tâm phân phối và nhiều chợ đầu mối cung ứng trực tiếp đến những điểm bán tại thị trường thành thị và nông thôn.
TIỂU MY